Côn Sơn kỳ thú

12/02/2023 05:57

Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh) là một trong số ít danh thắng còn bảo lưu được những nét đẹp về cảnh quan, thẩm mỹ, kiến trúc cổ.


Quần thể danh thắng Côn Sơn nhìn từ trên cao

Từ khung cảnh thiên nhiên đến các công trình kiến trúc tôn giáo ở đây đều có sự hài hoà, cân bằng trong từng chi tiết.

Bản giao hưởng không bao giờ dứt


Mỗi năm di tích Côn Sơn đón hàng chục vạn du khách về tham quan, chiêm bái

Từ dưới sân chùa, anh Nguyễn Trung Kiên tới từ Hà Nội cùng vợ leo tới chân núi Côn Sơn thì quay người lại và hướng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh khu danh thắng đặc biệt này. “Cảnh vật thiên nhiên hoà quyện với các công trình, kiến trúc đã nhuốm màu rêu phong thật ít nơi có được. Tôi cũng đến nhiều di tích rồi nhưng ít nơi có thể so sánh được với di tích Côn Sơn về không gian, quy mô và độ cổ kính”, anh Kiên chia sẻ.

Đã gần 8 năm, bà Trần Thị Bảy (66 tuổi, ở Bắc Giang) mới có dịp cùng con cháu quay trở lại Côn Sơn trẩy hội mùa xuân. “Cảnh sắc rất khác lạ, thêm nhiều công trình điểm nhấn, đẹp hơn rất nhiều so với lần trước tôi đến đây”, bà Bảy nhận xét.


Cảnh sắc khu vực cầu Thấu Ngọc và Thanh Hư Động ở di tích Côn Sơn

Vẻ đẹp của di tích Côn Sơn được kết tinh đầy đủ 3 yếu tố chủ đạo là phong cảnh, công trình kiến trúc và hiện vật cổ. Côn Sơn thuộc dãy núi Yên Tử. Dãy núi này bắt nguồn từ cánh cung Đông Triều, chạy đến Côn Sơn thì dừng mạch, tạo nên một địa thế về cảnh quan hùng vĩ. Núi Côn Sơn nhìn giống con kỳ lân (còn gọi là núi Kỳ Lân) cao 231 m, trên đỉnh có Bàn Cờ Tiên (Am Bạch Vân). Đối diện với núi Côn Sơn là núi Ngũ Nhạc dài 4,3 km, cao 238 m nhìn như một con rồng. Núi có 5 đỉnh, mỗi đỉnh có 1 miếu thiêng thờ ngũ phương (đông, tây, nam, bắc và trung phương) nên gọi là Ngũ Nhạc linh từ. Hai dãy núi như 2 tay ngai. Toàn bộ khu thắng tích Côn Sơn nằm tựa vào hai dãy núi này. Phía trước chùa Côn Sơn là hồ Côn Sơn rộng gần 1 km2, nước quanh năm trong mát. Đây là minh đường của di tích Côn Sơn-nơi có núi Phượng Hoàng (hình con chim), có đền thờ thầy giáo Chu Văn An và núi Hồ Phóng (hình con rùa), tạo thành thế “Quy ẩm thuỷ”. “Bốn ngọn núi mang dáng hình 4 linh vật thuộc bộ tứ nổi tiếng trong văn hoá tâm linh là long, ly, quy, phượng ôm trọn di tích Côn Sơn, ở giữa lại có minh đường tụ thuỷ, tạo thành địa thế rất đẹp về phong thủy”, tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết.


Vẻ đẹp của di tích Côn Sơn còn được thể hiện sinh động qua các hoạt động của lễ hội hằng năm. Trong ảnh: Đoàn rước bánh chưng, bánh giầy từ chùa Côn Sơn sang đền Nguyễn Trãi

Chùa Côn Sơn mang vẻ đẹp rêu phong cổ kính gồm nhiều công trình giàu giá trị lịch sử văn hoá có từ thời Trần, Lê như Cửu phẩm Liên hoa, tượng Phật Bà Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt, 385 pho tượng mang những vẻ đẹp khác nhau. Côn Sơn có cầu Thấu Ngọc, từng được danh nhân Nguyễn Phi Khanh (thân phụ của Nguyễn Trãi) ca ngợi: “Khói đầu non, dáng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để ngắm nhìn. Phàm những hình trạng trong mát, tiếng vi vu xa xa và vẳng không sâu thẳm nơi yên lặng, hợp với con mắt của con người ta. Ở đây đều có đủ cả”. 


Đoàn rước tham dự Lễ rước nước trong chương trình Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc

Vua Trần Nhuệ Tông khi về Côn Sơn thăm cụ Trần Nguyên Đán thấy phong cảnh đẹp liền ban tặng 3 chữ “Thanh Hư Động”, khắc thành bia. Tấm bia đó giờ là bảo vật quốc gia. Vua Lê Thánh Tông cũng từng về thăm Côn Sơn và có bài ngự đề “Côn Sơn tự” rất hay, trong đó có đoạn: “Đất Phật lâu đài cảnh đẹp thay/Người xưa dấu cũ vẫn còn đây/Bao la cảnh đẹp trời non nước/Lai láng tình thơ với cỏ cây”. 

Từ năm 1996 đến nay, di tích Côn Sơn được Nhà nước và nhân dân quan tâm tu bổ, tôn tạo và phục hồi nhiều công trình như đền thờ Nguyễn Trãi, đền Thanh Hư, Bàn Cờ Tiên, suối Côn Sơn, toà Cửu phẩm Liên hoa...


Du khách thích thú, chụp ảnh lưu niệm tại di tích Côn Sơn

Danh thắng Côn Sơn nằm trong khu vực rừng đặc dụng rộng hàng trăm ha. Phía trước chùa có hồ, phía sau có rừng thông, bên phải có bãi rễ. Màu xanh của núi rừng quanh năm tô điểm cho Côn Sơn, giống như một bản giao hưởng không bao giờ dứt.

Sinh động, đặc sắc

Những công trình kiến trúc nghệ thuật cổ ở Côn Sơn rất sinh động, đặc sắc, mang đặc trưng của thời đại và vẫn được bảo tồn vẹn nguyên. Đó là Tháp Đăng Minh được tu bổ, tôn tạo năm 1719, là đền Nguyễn Trãi xây dựng theo kiến trúc đặc trưng thời Lê.


Toà Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn được chạm khắc độc đáo

Các mảng chạm khắc ở chùa Côn Sơn cũng đặc sắc, ý nghĩa. Hậu đường ngôi chùa này có những bức cốn, đầu dư chạm khắc nhiều nội dung từ thời Lê, thời Nguyễn. Tầng dưới có hình cua, cá sống động nhưng đều quy, chầu vào phật điện. Đây là điều rất lạ vì từ các bức cốn, đầu dư ở những ngôi chùa khác đều quay ra ngoài nhưng ở chùa Côn Sơn lại quay vào Phật điện. Điều đó thể hiện Phật có thể giáo hoá được tất cả chúng sinh…

Sân chùa Côn Sơn có 4 tấm bia đá được tạc dựng từ nhiều thế kỷ trước, giàu giá trị lịch sử văn hoá. Bia Thích Đức Nguyên niên được tạc dựng năm 1653. Hai tấm bia hình lục lăng mà Bác Hồ từng đọc khi về thăm Côn Sơn có niên đại 1608 và 1611, được công nhận là bảo vật quốc gia.


Một góc cổ kính, rêu phong của chùa Côn Sơn

Bộ tượng tam thế chùa Côn Sơn là một trong những bộ tượng tam thế đẹp nhất của nước ta. Tượng Đức Ông được đánh giá là đặc sắc, rất lạ, ít gặp… Các đồ thờ, câu đối, hoành phi đều thể hiện chữ thư pháp thuộc đa dạng các loại hình như triện thư, lệ thư, khải thư, hành thư, đều do cổ nhân để lại. 

Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm có nhiều nghi lễ giàu bản sắc văn hoá dân tộc, có cả các hoạt động hấp dẫn như liên hoan pháo đất, hội thi bánh chưng, bánh giầy, vật dân tộc… Những hoạt động sôi nổi kết hợp với phong cảnh, không gian linh thiêng đã tạo nên một vẻ đẹp rất kỳ thú.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Côn Sơn kỳ thú