hời gian qua, mặc dù các di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh đã được các cấp, các ngành và người dân quan tâm trùng tu, tôn tạo nhưng hiệu quả không cao.
Phần tiếp giáp giữa hậu cung và nhà ngoài của đình Mậu Tài có xà,
rui gãy, khiến ngói bị tụt xuống, mỗi khi trời mưa lại dột
Hiện nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng cần sớm được đầu tư nâng cấp.
Nhiều di tích xuống cấpChùa Tông thuộc thôn Vũ Xá, xã Quang Khải (Tứ Kỳ) được xây dựng cách đây hơn 300 năm. Chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2010. Tình trạng xuống cấp của chùa dễ dàng nhìn thấy từ xa. Tường ngoài bị ẩm mốc, xuất hiện các vết nứt, nhiều mảng vữa bong tróc để lộ những viên gạch mục vỡ. Mái chùa bị võng, ngói xô, chỗ lồi chỗ lõm và có nhiều viên vỡ. Ngoài hiên, khoảng 80% số chiếc tẩu, bảy đỡ xà bị mục. Trong di tích, qua quan sát, chúng tôi thấy nhiều chiếc xà, rui đỡ mái bị mối xông mục rỗng. Phía tường bên trái di tích một số chiếc xà gãy, treo lơ lửng. Nhiều cột trụ không còn khả năng chống đỡ mái do rỗng ruột. Để gia cố, chống cho mái khỏi sập, thôn dựng thêm một số cột phụ bên cạnh. Hôm chúng tôi về, mặc dù trời mưa nhỏ nhưng hiện tượng dột xuất hiện nhiều chỗ. Ngồi làm việc, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy nước nhỏ tí tách trên nền. Tuy chùa xuống cấp nghiêm trọng từ lâu nhưng vẫn mở cửa thường xuyên, nhất là vào ngày rằm, mùng một âm lịch hằng tháng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Thôn rất lo nếu không may lúc đông người có mưa to, gió lớn, chùa bị sập, hậu quả sẽ khôn lường.
Tình trạng xuống cấp của di tích đình Phú Triều, xã Liên Hồng (Gia Lộc) cũng tương tự như chùa Tông. Đình Phú Triều được xây dựng vào thế kỷ XIX, gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Do tác động của chiến tranh nên cảnh quan di tích có nhiều thay đổi. Trước năm 1999, đình chỉ còn lại 3 gian hậu cung. Sau đó, chính quyền địa phương xây dựng lại 5 gian đại bái và tu sửa hậu cung trên nền cũ. 5 gian đại bái xây mới bằng bê-tông, cốt thép nên hiện vẫn rất chắc chắn, còn 3 gian hậu cung dù được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư Chi bộ thôn Phú Triều cho biết: Qua đợt khảo sát của thôn, 2 xà và cầu phong phía sau hậu cung bị gãy và võng xuống, 16 xà bị mối xông, thường xuyên ẩm mốc, toàn bộ phần gỗ, vì kèo hư hỏng. Cách đây mấy tháng, một đám mái bị sập, thôn phải dùng kích nâng mái thay xà, kê mấy tấm gỗ để đỡ. Tường bị mục và bong tróc nhiều đám. Do đó, khu hậu cung có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Đình Mậu Tài, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) cũng đang chung số phận như hai di tích trên. Sau khi đình cũ hỏng, đình mới được xây lại khoảng năm 1954. Cách đây khoảng 20 năm, đình đã được dân làng tu sửa thay một số cột. Năm 2006, đình bị dột, do không có kinh phí, thôn chỉ đảo mái và sửa nhỏ lẻ nên đến giờ đã xuống cấp nặng. Đặc biệt, ngoài mái bị võng, ngói xô, nhiều xà, kèo bị mục rỗng phần tiếp nối giữa hậu cung và 5 gian ngoài bị đứt gãy, ngói tụt hẳn xuống nên trời mưa là dột.
Theo bà Nguyễn Thị Cuối, Trưởng Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 162 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Các di tích đều có niên đại trên dưới 200 năm, do trải qua những biến động của thời gian, hoàn cảnh lịch sử nên hiện các di tích đều bị xuống cấp; nặng thì toàn bộ các hạng mục, ít thì một vài hạng mục cần trùng tu, tôn tạo để bảo vệ.
Không nên phó mặc cho công tác xã hội hóaQua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mặc dù tình trạng xuống cấp nghiêm trọng kéo dài nhưng các địa phương chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nào từ cấp trên. Do đó, để di tích không bị hủy hoại, các địa phương phải tự xoay xở tìm cách bảo vệ. Việc tôn tạo di tích đều phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa. Địa phương nào xã hội hóa tốt thì có kinh phí để làm nếu không thì đành để đấy.
Ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư Chi bộ thôn Phú Triều cho biết: "Để chuẩn bị cho việc trùng tu, tôn tạo đình, tháng 8 - 2012, thôn làm hồ sơ xin phép tỉnh được tu bổ, chống xuống cấp phần hậu cung. Theo dự toán của thôn, việc tu bổ di tích cần từ 140 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, do thôn ít dân, chủ yếu làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế hạn chế nên sẽ rất khó khăn trong công tác xã hội hóa. Nếu không có sự hỗ trợ của cấp trên sẽ rất khó thực hiện. Hiện nay, từ nguồn quyên góp của dân, thôn mua được 1,2 vạn gạch, đổ 33 chiếc xà bê-tông cốt thép. Khi thi công, cộng tất cả các nguồn, thôn huy động tối đa chỉ được khoảng 50 triệu đồng, số tiền còn lại không biết lấy từ đâu".
Trước tình trạng xuống cấp của chùa Tông, thôn Vũ Xá đã làm hồ sơ xin phép tỉnh 2 lần để trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay vẫn chưa được đồng ý. Công tác tu bổ chùa cần gần 240 triệu đồng. Số kinh phí trên quá lớn so với thu nhập của người dân. Theo tính toán sơ bộ của thôn thì từ nguồn xã hỗ trợ và xã hội hóa chỉ được khoảng 50 triệu đồng…
Thời gian qua, do kinh phí của tỉnh có hạn, cộng với số lượng di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp lớn nên việc trùng tu, tôn tạo mới chỉ quan tâm đến những di tích cấp quốc gia, còn di tích cấp tỉnh hầu như chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố không có ngân sách để hỗ trợ cho việc này. Ở cơ sở, nguồn ngân sách hạn hẹp nên dù di tích xuống cấp cũng không tu tạo vì còn phải ưu tiên xây dựng những công trình thiết yếu hơn. Vì vậy, nhiều địa phương đành bất lực khi thấy di tích xuống cấp từng ngày.
Bên cạnh đó, nếu cứ để tình trạng phó mặc cho công tác xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo di tích sẽ dẫn đến tiêu cực. Theo ông Nguyễn Đình Hài, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Cẩm Giàng: Di tích không được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, để người dân tự khắc phục tình trạng xuống cấp mang tính nhỏ lẻ, chắp vá, tu sửa, xây dựng tùy tiện không những không bảo vệ được di tích mà sẽ từng bước làm mất dần yếu tố gốc và phá vỡ cảnh quan của di tích. Công tác xã hội hóa cần được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, tránh dư luận xấu trong nhân dân.
Thời gian tới, để các di tích cấp tỉnh được bảo tồn vững chắc, tiếp tục là nơi nuôi dưỡng đời sống văn hóa, tinh thần trong cộng đồng dân cư, tỉnh cần quan tâm đầu tư kinh phí hợp lý cho các di tích cấp tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng. Mức hỗ trợ cần chiếm 50 - 70% tổng kinh phí để tạo đòn bẩy, động viên người dân nhiệt tình tham gia ủng hộ. Việc xây dựng hồ sơ trùng tu, tôn tạo di tích cần có sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn để bảo đảm yêu cầu. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục xin cấp phép trùng tu, tôn tạo, không để các địa phương mất nhiều thời gian đi lại…
DANH TRUNG