Di tích đình Đồng Tái

09/02/2011 02:23

Trước năm 1945, Đồng Tái là tên xã, trong xã có đủ đình, chùa, miếu.Năm 1946, Đồng Tái là một thôn của xã Thống Kênh (Gia Lộc), đình ĐồngTái từ đó gắn liền với tên thôn.

Đình Đồng Tái được xây ở trung tâm của làng, trên một khu đất cao, rộng, mặt hướng tây nam, trông ra sông Nhị Hà (nay là sông Thưa). Theo ngọc phả còn lưu lại và qua lời kể của các cụ cao tuổi trong làng, đình Đồng Tái thờ 3 chị em họ Đào là: Đào Thị An, Đào Công Hải và Đào Công Thông, những người có công phò vua Duệ Vương đánh giặc Thục, giặc Lương bảo vệ đất nước... Những năm kháng chiến sau này, đình Đồng Tái là nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương và của tỉnh. Tháng 4 - 1995, đình Đồng Tái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.


Đình Đồng Tái

Những thần tích


         "...Tương truyền, Đào Công Bột, quê ở An Bang, phủ Hải Đông, là thiếu phó quan thời Hùng Vương thứ 18, được giữ chức bộ trưởng Châu Hoan (Thanh Hóa), sau được vua hạ chiếu điều đến phủ Thượng Hồng (trấn Hải Dương) làm quan thượng thư. Trong thời gian ở Thượng Hồng, ông kết duyên với một nữ anh thư họ Nguyễn, con gái một gia đình danh gia, lệnh tộc ở Kênh Triều, huyện Gia Phú (nay là Gia Lộc). Được khoảng 3 năm thì Thượng Hồng đột nhiên có trận nước lụt lớn, quan Thượng Thư và nhân dân phải làm chòi cao tránh nước. Trong cơn thủy hoạn, bỗng có 3 quả trứng từ đâu trôi đến trước chòi của quan thượng thư.  Thấy lạ, ông vớt 3 quả trứng đó rồi cất đi. Không lâu sau, một trận mưa lớn, sấm chớp đùng đùng, 3 quả trứng nổ như tiếng sét và nước lũ tự dưng rút cạn. Quan thượng thư nửa mừng, nửa lo, cho rằng 3 quả trứng kia là chuyện bất thường, liền lệnh cho quân sĩ làm lễ tế đảo để tiễn 3 quả trứng thần kỳ. Ngay đêm đó, quan thượng thư nằm mơ thấy một người tướng mạo uy nghi, cỡi trên con Hoàng Long (rồng vàng) tặng cho mình một tấm gấm có đề thơ sẵn. Tỉnh dậy, ông thấy tấm gấm đặt bên mình thì rất đỗi vui mừng. Từ đó vợ ông mang thai, lần lượt sinh hạ được Đào Thị An, Đào Công Hải và Đào Công Thông. Cả ba chị em đều khôi nghô, tuấn tú, diện mạo khác thường, tính tình khoan hòa, văn võ kiêm toàn. Đặc biệt, Đào Công Hải và Đào Công Thông, thế và lực có thể bạt núi, ngăn sông, đi trên sóng nước như đi trên cạn. Nhân dân ở đây coi như ba vị thánh giáng trần.

Sau khi cha mẹ tạ thế, 3 chị em họ Đào dựng một quán nước ở đầu làng Kênh Triều để mưu sinh. Lúc này nhà Thục đưa đại binh sang xâm chiếm nước Văn Lang. Vua Duệ Vương cùng quần thần trực tiếp ra đánh giặc, nhưng vì thế và lực không cân nên vừa đánh vừa rút lui. Tới địa phận xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc thì trời xế chiều, vua hạ chiếu cho quân thần dựng trại để nghỉ. Đêm đó, nhà vua ngự giá tại chùa Quang Minh, tổng Hậu Bổng. Trong giấc ngủ mơ màng, vua thấy một người cao to, áo mũ cân đai chỉnh tề tiến đến trước mặt nói rằng:” Thần vâng mệnh Thiên Hoàng giấy báo cho thời quân gặp nhân tài để diệt giặc. Giật mình tỉnh lại thì đó là giấc mộng và bên mình có tấm gấm, trên đề mấy vần thơ: Thiên Hoàng xuống báo giúp thời quân/ Tìm đến Kênh Triều gặp Thánh Nhân/ Huynh đệ một nhà Đào Thị đó/ Là người giúp nước cứu nhân dân”. Lập tức vua cho quân thần đến Kênh Triều, mời 3 chị em họ Đào về hậu bổng yết kiến, rồi phong cho Đào Công Hải là quyền trưởng Trung Hoa quốc tể; Đào Công Thông là Thống trưởng tướng quân. Hai vị nhận chức, điều khiển toàn bộ 30 vạn binh mã, chia làm nhiều mũi tiến đến đồn giặc đánh phá. Chỉ một trận đánh, giặc Thục đã tan tác, những tên sống sót tranh nhau tẩu tán. Đất nước trở lại thanh bình, muôn dân an cư lạc nghiệp…

5 năm sau, mộng xâm lăng của giặc Thục lại nổi lên, chúng cho đại binh dồn rập sang đánh chiếm nước ta lần nữa. Đào Công Thông và Đào Công Hải xin vua cho xuất binh phá giặc. Nắm bắt được điểm yếu của địch, hai tướng quân bố trí đánh úp ban đêm, cho những thợ lặn xuống khoan thủng thuyền địch. Bị động, thuyền đắm, quân Thục một lần nữa đại bại, kinh hoàng chạy về nước.

Sau khi toàn thắng, Đào Công Thông và Đào Công Hải không ở lại  triều đỉnh để hưởng vinh  hoa phú quý, mà xin về về Kênh Triều cư trú. Trên đường về bỗng mây đen từ đâu kéo đến mù mịt, sấm chớp dữ dội, chỉ trong khoảnh khắc hai vị tướng quân đã hóa cùng mây nước. Nhà vua thương tiếc người tài, truyền cho nhân dân nơi đây lập đền thờ, cúng...”


Bức đại tự sơn son

Đình Đồng Tái

Từ những ngày đầu thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, đình Đồng Tái là bản doanh của nghĩa quân Thống Kênh, lãnh đạo nhân dân trong vùng anh dũng chống lại ách xâm lược của thực dân Pháp. Nghĩa quân Thống Kênh phát triển mạnh, hoạt động rộng lớn khắp các vùng Tứ Lộc, Kim Môn, Chí Linh, Châu Giang, thị xã Hải Dương, từng nhiều phen làm thực dân Pháp phải kinh hoàng. Những năm 1930 - 1945, khi phong trào cách mạng dâng cao và chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa, đình Đồng Tái là nơi hội tụ đại biểu trong vùng, bầu các cơ quan chính quyền từ lâm thời đến chính thức. Đình cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng của xã, là địa điểm để chi bộ hội họp, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể kháng chiến. Cũng tại đình Đồng Tái, các đơn vị bộ đội như Tây Sơn, Bảo Lộc, B42, 075 của tỉnh về tập luyện. Sau này, đình Đồng tái vinh dự là nơi các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trung ương về hội họp, phát động các phòng trào chống mỹ cứu nước trên toàn tỉnh và là nơi lưu trữ các tài liệu quan trọng khi đó...

Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, nhất là những năm kháng chiến chống Pháp đình Đồng Tái bị hủy hoại nhiều, còn lại tiền tế và hậu cung. Trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật từ thời Nguyễn như: Long đình, khám, ngai, cửa võng, đại tự, cuốn thư, kiếm thờ... Tiếp nối truyền thống anh hùng của cha anh, ngày nay, nhân dân Đồng Tái ngoài việc đồng tâm, đồng sức bảo vệ di tích, còn không ngừng học tập, hăng say lao động, sản xuất, góp phần xây dựng làng quê ngày một giàu đẹp, văn minh.

VĂN HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích đình Đồng Tái