Y tế - Sức khỏe

Tự mua thuốc bảo hiểm y tế có dễ hoàn tiền?

Theo Tuổi trẻ 12/12/2023 12:27

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài khiến không ít người bệnh tự bỏ tiền mua những thứ đúng ra họ được bảo hiểm y tế chi trả.

Người dân mua thuốc có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người dân mua thuốc có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức

Bộ Y tế vừa có dự thảo thông tư thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trong dự thảo đang lấy ý kiến này, một số chuyên gia nhận định còn gây khó cho người bệnh.

Người bệnh phải đi mua cả chỉ khâu, kim tiêm...

Mới đây, sau khi bị gãy xương đòn, anh T.P. (ngụ huyện Bù Đăng) vào một bệnh viện ở tỉnh Bình Phước để phẫu thuật. Bác sĩ liệt kê một loạt danh mục vật tư tiêu hao như gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, bộ nẹp... và yêu cầu anh mua bên ngoài.

Tổng số tiền anh T.P. bỏ ra mua số vật tư này là hơn 12 triệu đồng. Song dù có bảo hiểm y tế nhưng bác sĩ thông báo anh không được bảo hiểm chi trả.

Tương tự, anh C. được chẩn đoán bị rạn xương bánh chè và được bác sĩ chỉ định ra nhà thuốc bên ngoài mua hàng loạt vật tư y tế với chi phí hơn 8 triệu đồng. Cũng như các bệnh nhân khác, anh không được chi trả dù có bảo hiểm y tế.

Tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, trước khi mổ nội soi cắt bỏ khối u, người nhà bệnh nhân cũng được gọi vào yêu cầu mua hơn 10 loại vật tư y tế. Bệnh nhân cũng phải tự chi trả hơn 10 triệu đồng để mua hết các thuốc, vật tư nằm trong danh mục bảo hiểm y tế nhưng bệnh viện chưa đấu thầu được.

Việc thiếu thuốc, vật tư y tế không chỉ làm ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh mà còn khiến nhiều người bệnh nghèo phải thêm đủ thứ chi phí.

Điều trái khoáy hơn nữa là các vật tư, thuốc đã có trong danh mục bảo hiểm chi trả giờ họ lại phải tự mua bên ngoài và phải tự trả tiền. Thẻ bảo hiểm y tế lúc này thành ra có cũng như không.

Quy định hoàn tiền cho người bệnh còn gây khó

Từ năm 2022, khi bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, đã có ý kiến đề nghị trả tiền cho người bệnh đi khám chữa bệnh và phải tự trả tiền thuốc/vật tư trong danh mục, trong đó có ý kiến của lãnh đạo Bệnh viện E. Nhưng trả như thế nào? Mang hóa đơn quay lại bệnh viện điều trị để ứng hay đến cơ quan bảo hiểm để thanh toán?

Theo dự thảo thông tư thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp vừa được Bộ Y tế xây dựng, việc thanh toán chi phí trực tiếp cho người tham gia bảo hiểm y tế được thực hiện khi người bệnh (hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp) mua thuốc, vật tư y tế tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh và hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực.

Người bệnh xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư được bác sĩ chỉ định kèm hóa đơn đã mua hợp lệ để làm căn cứ thanh toán.

Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí họ đã mua trong vòng 40 ngày.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đây là quy định gây khó khăn cho người bệnh. "Để được chi trả, bệnh nhân phải nắm rõ đơn vị đã trúng thầu, cửa hàng bán ở đâu, hợp đồng có còn hiệu lực hay không? Như vậy, có thể nói là đánh đố đối với người bệnh.

Dự thảo quy định cơ sở khám chữa bệnh phải hướng dẫn người bệnh về cơ sở cung ứng dịch vụ, nhưng như vậy chỉ có thể áp dụng sau khi thông tư có hiệu lực. Những người bệnh đã mua thuốc, vật tư y tế trước đó thì sao?", chuyên gia này đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia cho biết thêm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trước tiên ngành y tế phải cung cấp đầy đủ thuốc và vật tư y tế cho người dân tham gia bảo hiểm.

Trong trường hợp thiếu thuốc và vật tư, các bệnh viện cần phải thông báo với cơ quan bảo hiểm xã hội. Người bệnh tự mua thuốc, vật tư chỉ cần có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh, hóa đơn tài chính hợp pháp, căn cứ vào giá công khai niêm yết sẽ được chi trả chi phí.

Về vấn đề này, Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho hay thông tư được xây dựng đã tạo điều kiện hết mức có thể cho người bệnh được thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, vụ này cũng nhận định khó có thể áp dụng với người bệnh đã phải tự mua thuốc, vật tư y tế trước khi có thông tư. Mặc dù dự thảo không quy định thời gian nhằm mở rộng chi trả cho người dân đã phải tự mua thuốc, vật tư y tế trước đó.

Như vậy, tưởng như khi thông tư có hiệu lực thì mọi người dân đã từng tự mua thuốc, vật tư bảo hiểm y tế đầy đủ hồ sơ theo quy định đều sẽ được chi trả, nhưng vấn đề là ai giữ hóa đơn mới có cơ hội, thực tế thì không dễ giữ được hóa đơn khi trước đây chưa có hướng dẫn này.

Về quy định được cho là có thể sẽ gây khó khăn cho người bệnh khi quy định mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, đơn vị đã trúng thầu, phía Vụ Bảo hiểm y tế lý giải đây là quy định nhằm kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế mà người bệnh phải tự chi trả trong trường hợp bệnh viện thiếu thuốc.

Một chuyên gia bảo hiểm y tế nói rằng đây có thể là một lợi ích với người có thẻ bảo hiểm y tế, kể cả lâu dài, nếu bệnh viện thiếu một vài loại thuốc hay vật tư, nhưng vẫn chưa phải là cách làm căn cơ để giải quyết vấn nạn thiếu thuốc và vật tư.

Thị trường không thiếu thuốc và vật tư y tế. Vì ra nhà thuốc là có, trong khi bệnh viện lại thiếu, chứng tỏ vướng ở đây là vướng cơ chế, vướng chính sách về đấu thầu. Đó mới là vấn đề cần giải quyết hiện nay.

Trách nhiệm của bệnh viện, đừng đẩy cho bệnh nhân

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh chia sẻ bản thân mình rất ủng hộ trước đề xuất của Bộ Y tế về quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.

Đề xuất này đã giúp bảo đảm quyền lợi người bệnh khi tham gia bảo hiểm y tế sẽ được hưởng đầy đủ thuốc, vật tư y tế nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả, không phải tự bỏ tiền ra mua mà không được chi trả như trước đây trong trường hợp bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế.

Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng bệnh viện cần cung ứng đầy đủ thuốc và vật tư y tế, tránh trường hợp đẩy trách nhiệm cho bệnh nhân ra ngoài mua, cụ thể là nhà thuốc của bệnh viện hoặc mua thuốc tại đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế đã trúng thầu tại cơ sở y tế.

Bởi lẽ, dù bệnh nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán trực tiếp, nhưng để có thuốc và vật tư y tế thì bệnh nhân cũng phải tự chi tiền trước ra mua, sau đó mới có hóa đơn để bảo hiểm xã hội thanh toán, chi trả. Ngoài ra, cần chú ý đến chất lượng thuốc, vật tư mà bệnh nhân mua ngoài bệnh viện.

Bà Hằng đề nghị bệnh viện có trách nhiệm thực hiện đấu thầu mua sắm theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ và kịp thời cho người bệnh.

Trong trường hợp bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế thì nên chủ động liên hệ các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã trúng thầu và có đầy đủ thuốc để nhượng lại.

Theo Tuổi trẻ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự mua thuốc bảo hiểm y tế có dễ hoàn tiền?