Đi chợ âm phủ sắm hàng hiệu

10/08/2014 08:42

Ngày rằm tháng 7 đến, không khí mua bán ở các cửa hàng cho người cõi âm càng nhộn nhịp.

Mua sắm hàng mã nhân mùa lễ Vu lan - Ảnh: Nguyệt Cát

6 giờ sáng, đường vào làng Văn Hội (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội), nhiều ô-tô chất đầy hàng mã lần lượt nối đuôi nhau đi về hướng quốc lộ 5. Một vài xe khác lục tục kéo đến. Vận chuyển hàng lên xe xong xuôi, người dân làng Văn Hội lại bắt đầu cho một ngày mùa tất bật: chẻ nứa, đan hom, dán vàng mã. Đi từ đầu tới cuối làng, những tấm biển quảng cáo đồ thờ cúng trông bắt mắt như tiệm may thời trang mọc kin kít nhau.

Giá cả hàng mã tùy loại, ô-tô 100 nghìn đồng, xe SH 90 nghìn đồng, bộ complê 40.000 đồng, biệt thự 200 nghìn đồng, máy bay 100 nghìn đồng, điện thoại 20 nghìn đồng, tivi LCD 100 nghìn đồng, iPhone 5S 50 nghìn đồng, mỹ phẩm 100 nghìn đồng, vương miện hoa hậu 50 nghìn đồng...

Một điều dễ thấy là trong tất cả các cửa hàng chỗ nào cũng ngập tràn đồ mã từ quần áo, giày dép, máy nghe nhạc, laptop, tivi, vàng, mỹ phẩm, nhà biệt thự có sổ đỏ đến cả những chiếc điện thoai di động đời mới cũng được “cập nhật” như iPhone 5S, Galaxy, ôtô BMW, xe SH, máy bay.

Làng Văn Hội nổi tiếng là kho cung cấp hàng hóa cho người cõi âm “khủng” nhất nhì phía Bắc. Cả làng có hơn 900 hộ dân thì gần 800 hộ sống nhờ nghề “bán đồ giả, lấy tiền thật”. “Những ngày lễ tết, đơn nhiều nhất 3-4 xe với số tiền 40-50 triệu đồng, đơn nào ít thì vài trăm, một triệu. Còn không, những ngày thường, hàng gia đình tôi làm chỉ đủ cung cấp cho người làng, người xã có nhu cầu sắm cho người mất” - ông Lê Văn Chén, một trong những người làm hàng mã nhiều đời tại làng Văn Hội, nói.

Chị gái mất trong một vụ tai nạn giao thông cách đây hai năm, rằm tháng 7 này, chị Thúy (quận Từ Liêm) quyết tâm bỏ tiền đầu tư hẳn một lễ ăn hỏi hoành tráng cho chị ở dưới âm phủ. Một bộ lễ trọn gói gồm: cô dâu chú rể, hai tráp trầu cau, bánh phu thê, một ôtô rước dâu. Tất cả trị giá 2,5 triệu đồng. Cùng lúc đó, một người phụ nữ khác đến đặt hàng một “cô người mẫu” cho chồng cưới, cao 1,2m, giá 300 nghìn đồng để chồng “sống hạnh phúc, phù hộ độ trì cho vợ con làm ăn tốt, khỏe mạnh”.

Tuy nhiên, người phụ nữ làm nghề vàng mã lâu năm tên Ngà (Hàng Mã, Hoàn Kiếm) nhận đơn làm hàng trên cho biết những mặt hàng này không sản xuất nhiều mà chỉ làm theo đơn đặt hàng nên giá cũng trội hơn rất nhiều. Trong vòng 20 phút, chị Ngà quảng cáo các mẫu sản phẩm “hàng hiệu” do chính tay mình thiết kế: “Cô dâu phải đi đôi giày cao gót này mặc váy mới đẹp. Nhẫn, vàng có đủ, nhưng nên mua thêm trang sức để lấy vốn làm ăn. Những thứ này chị làm bằng chất liệu giấy xịn, để trong tủ kính cũng khối người lẫn với hàng thật, giá 200 nghìn đồng/đôi”.

Tại tiệm hàng mã V.Vinh trên phố Hàng Mã, một phụ nữ 50 tuổi đang hì hụi chọn xe ga cho chồng, một người khác đang mua sách vở, điện thoại cho con. “Cho hai chiếc váy hoa xòe, một bộ mỹ phẩm đầy đủ dầu gội, nước hoa, cặp, sách vở và chiếc xe đạp điện loại đắt tiền nhất. Có những đồ dùng cá nhân gì cứ gói hết vào cho chị, tiền không thành vấn đề, miễn sao cháu sống ở dưới đầy đủ là ok...” - chị N.T.Mai (khách hàng) nói với chủ tiệm.

“Đốt vàng mã là một tập tục của người Việt từ lâu đời thể hiện tấm lòng báo hiếu với người đã mất dịp lễ Vu lan. Nhưng nhiều người bỏ tiền triệu ra mua sắm cả ô-tô, xe máy, cô dâu hay chú rể về đốt cho người âm chính là hành động phô trương, lãng phí tiền của”, TS Nguyễn Quốc Tuấn (viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) nói.

NGUYỆT CÁT (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi chợ âm phủ sắm hàng hiệu