Đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ

12/01/2011 08:47

Luật lệ phong kiến không cho phép nữ giới tham gia thi cử, nhưng Nguyễn Thị Duệ đã giả trai để đi thi và trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên của nước ta. Hiện đền thờ bà đặt tại đỉnh núi Tri Ngư ở Chí Linh.


Đường vào đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ

Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền là một người con gái tài sắc của xã Kiệt Đặc (nay là xã Văn An, huyện Chi Linh). Bà  sinh vào cuối thế kỷ 16.

Năm 20 tuổi, bà cùng cha lên Cao Bằng theo nhà Mạc. Vốn là người thông minh, ham hiểu biết Nguyễn Thị Duệ ăn mặc giả trai, tìm thầy học tập, không bao lâu sau đó đã có tri thức sâu rộng, thông hiểu kinh sách, văn chương lưu loát. Tại Cao Bằng, nhà Mạc mở kỳ thi hội, sĩ tử ứng thi cũng nhiều, trong đó có cả thầy trò Nguyễn Thị Duệ. Bằng cách cải trang, Nguyễn Thị Duệ đã lọt được vào trường thi (luật phong kiến phụ nữ không được tham gia các kỳ thi đại khoa). Sau khi chấm quyển, Nguyễn Thị Duệ đỗ đầu (Hội  nguyên), thầy dậy đỗ thứ hai. Cảm kích trước người học trò tài năng, thầy giáo nói "Màu xanh từ màu lam mà ra, thế mà lại đẹp hơn màu lam". Đến khi vào dự yến, chúa Mạc thấy thí sinh đỗ Hội nguyên có dáng vẻ một cô gái sắc sảo, lộng lẫy, dò hỏi biết được sự thực. Sau mới lấy làm vợ, đặt tên là Sao Sa, do đấy mà dân gian gọi là Bà chúa Sao Sa.

Khi nhà Mạc mất, Nguyễn Thị Duệ lánh về quê ở ẩn, bà mở trường dạy học. Vua Lê Thần Tông biết bà là người có tài lại có sắc, liền trọng dụng, tiến cử bà làm nữ học sĩ, Lễ sư, chuyên dậy các cung nhân. Bà được tặng danh hiệu Nghi Ái quan.

Những ngày ở kinh đô Thăng Long, Nguyễn Thị Duệ giao tiếp với các nhà khoa bảng cùng các trọng thân uyên bác, ai cũng công nhận học vấn của bà sâu sắc, uyên thâm. Nhiều lần vua Lê, chúa Trịnh hỏi ý kiến về các việc liên quan đến chính trị. Nguyễn Thị Duệ đều có những ý kiến cụ thể, những ví dụ qua các câu chuyện, những tấm gương tương tự trong sử sách để lại, trả lời, ngụ ý khuyên răn vua chúa cần phải đi theo đường chính, chăm sóc đời sống nhân dân. Vua chúa và các quan đồng triều nghe giảng giải lại càng kính phục..

Bà ở trong cung mái đến 70 tuổi mới xin về nghỉ. Tại quê nhà, bà dựng một cái am gọi là am Đào Hoa, ngày ngày đọc sách, bảo ban các sĩ tử trong làng. Vua Lê cho bà hưởng lộc bằng các nhận thuế hàng năm của xã, bà chỉ xin với dân làng lo liệu cho đủ ăn, còn bao nhiêu dành cho công việc có ích và trợ giúp người nghèo. Dân xã Kiệt Đặc đều được hưởng ân huệ của bà, nên mọi người đều kính trọng. Năm 1653, nhân dân lập bia ghi công đức bà, sau đó tạc tượng thờ, gọi là tượng Vua bà.

 Nguyễn Thị Duệ mất năm 80 tuổi, di hài được mai táng trên đỉnh núi Tri Ngư (còn gọi là núi Tháp) tại quê hương. Trên mộ xây một ngọn tháp có tên là  Tinh Phi, nay đã mai một. Theo "Chí Linh phong vật chí" thì trên bia cổ tháp hồi đó để xưng tụng tài năng của bà có khắc 10 chữ : Lễ sư sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương. 

Trong lịch sử phong kiến nước ta, Nguyễn Thị Duệ là một phụ nữ có học vị cao và sớm nhất, biết mang tài năng và bổng lộc của mình phục vụ xã hội, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục. Bà là tấm gương sáng, để lại nhiều giai thoại lưu danh.   

Đền thờ bà Nguyễn Thị Duệ mới được xây dựng lại

Lăng mộ thờ  bà  Nguyễn Thị Duệ (phía sau Đền)

 (Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ