Nói đến huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), du khách thường nghĩ tới đặc sản na hay các di tích lịch sử Ải Chi Lăng, hang Gió…
Nhưng, còn có một địa điểm thơ mộng: thảo nguyên Khau Sao hay “Vương quốc ngựa bạch”, nơi chăn thả hơn 2.600 con ngựa, trong đó có khoảng 1.500 con ngựa bạch thuần chủng.
Từ trung tâm huyện Chi Lăng, vượt chặng đường hơn 30 km với những khúc cua tay áo, chúng tôi tìm về thảo nguyên Khau Sao, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng.
Ở độ cao hơn 700m so với mực nước biển, thảo nguyên Khau Sao được coi là “Vương quốc Ngựa bạch" với 2.600 con ngựa, trong đó có khoảng 1.500 con ngựa bạch thuần chủng.
Trời đã xế chiều, bà Nguyễn Thị Định đang lùa đàn ngựa bạch hơn 20 con về chuồng, vui vẻ cho biết: Thảo nguyên rộng lớn, cây cỏ tốt tươi cùng với nguồn nước trong lành, khí hậu thoáng mát rất phù hợp để nuôi ngựa bạch mà không mất quá nhiều công chăm sóc.
"Chăm ngựa bạch cũng dễ thôi, không khó lắm đâu. Tối mình dắt về, không thì buộc để lại trên đồi, sáng ra lại thả ra rồi trông coi. Ngựa ở đây chủ yếu ăn cỏ tự nhiên, nếu có ngô thì bổ sung thêm cho ngựa béo hơn. Năm nay nhà tôi cũng bán được 4 con ngựa con. Nuôi ngựa bạch thì ổn định kinh tế, hơn nhiều so với nuôi trâu, nuôi bò”, bà Nguyễn Thị Định tâm sự.
Cũng như bà Định, gia đình anh Nông Văn Nghị đã gắn bó với nghề nuôi ngựa bạch nhiều năm. Anh Nghị cho biết ngựa bạch không chỉ đơn thuần là con ngựa trắng. Toàn thân ngựa có lông màu trắng, da trắng hồng, viền mắt và mắt cũng màu đỏ hồng, ban đêm mắt ngựa bắt ánh đèn sẽ ra màu đỏ rực.
Ngựa bạch có sức chống chịu thời tiết tốt và các thực phẩm chế biến từ ngựa bạch có giá trị dinh dưỡng cao. Chính vì vậy, con ngựa bạch đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân nơi đây.
“Mỗi năm con ngựa bạch đẻ 1 lứa, con khoảng 4-5 tháng tuổi bình quân 25 triệu/con, ngựa trưởng thành thì mỗi con cũng phải đến 70-80 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi ngựa mà đến bây giờ các hộ dân ở xã đã bắt đầu xây được nhà, mua được xe, thu nhập chính đều từ chăn nuôi ngựa bạch. Nhiều hộ trong xã còn mở rộng mô hình sản xuất như thành lập trang trại, cải tiến chuồng trại… Mỗi hộ giờ đây ít nhất cũng phải từ 2-3 con ngựa”, anh Nông Văn Nghị nói.
Xã Hữu Kiên hiện có 700 hộ thì có đến 600 hộ đang nuôi ngựa bạch. Người dân thường nuôi ngựa để lấy thịt, nấu cao hoặc bán con giống. Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ ngựa chủ yếu vẫn theo phương thức thủ công, tiêu thụ nhỏ lẻ.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: “Chúng tôi đã làm nhãn hiệu tập thể cho ngựa bạch năm 2020, tiến tới xây dựng các sản phẩm của ngựa bạch thành sản phẩm OCOP của huyện. Chúng tôi cũng đang triển khai Đề tài chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ để chọn giống, nhân giống thuần chủng. Cùng với đó là tiến hành chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con về chế biến thức ăn, phòng trừ dịch bệnh…
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá thương hiệu, tập trung nguồn lực để hỗ trợ bà con trong phát triển chăn nuôi, từ đó đàn ngựa sẽ được nhân rộng, giúp cho bà con xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, tiến tới làm giàu từ ngựa. Hiện đã có những hộ có thu nhập hằng năm trên 1 tỷ đồng”.
Đàn ngựa bạch trên thảo nguyên Khau Sao không chỉ giúp bà con các dân tộc có cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn mà còn thu hút đông đảo du khách tìm về “Vương quốc ngựa bạch” với hành trình khám phá lịch sử, văn hóa, cảnh quan vùng đất này. Đây cũng là mục tiêu mà các cấp chính quyền địa phương đang hướng tới nhằm phát triển đàn ngựa bạch gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng nói: "Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao chất lượng đàn ngựa bạch cũng như các sản phẩm đa dạng từ ngựa để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới du khách trong và ngoài nước. Huyện cũng đã quy hoạch khu vực thôn Suối Mạ trở thành khu vực du lịch cộng đồng.
Hiện nay đã có một số dịch vụ kèm theo như cưỡi ngựa, chụp ảnh… Khi tình hình dịch bệnh ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp tới đầu tư để cùng phối hợp phát triển mạnh hơn nữa các loại hình du lịch đặc sắc tại đây”.
Đến với Khau Sao, nơi thảo nguyên mênh mông để ngắm những đàn ngựa bạch thong dong gặm cỏ, hít căng lồng ngực làn hương thơm mát của cỏ cây, cảm nhận thiên nhiên và con người dường như hòa làm một.
Du khách cũng có thể tổ chức các buổi dã ngoại, cắm trại tại những địa điểm du lịch như Cổng trời (thôn Thằm Nà), thác nước Hố Dùng (thôn Nà Lìa), hay trải nghiệm văn hóa, phong tục tập quán và thưởng thức những món ăn đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây... để khi tạm biệt Khau Sao, bạn sẽ thầm hẹn ngày trở lại.
Theo VOV