Đền Long Động

11/03/2014 08:44

Đền Long Động không chỉ là công trình văn hóa mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ.




Đền Long Động được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1995


Trong chuyến hành hương đầu xuân hằng năm của người dân địa phương và nhiều du khách thì đền Long Động (đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi) ở thôn Long Động, xã Nam Tân (Nam Sách) là một trong những điểm đến.

Dọc theo tỉnh lộ 37 hướng TP Hải Dương đi Chí Linh, đến đoạn thuộc xã Thanh Quang, theo biển chỉ dẫn nằm ven đường, đi gần 1 km thì sẽ đến đền Long Động. Ngôi đền tọa lạc trên một khuôn viên rộng, xung quanh là làng mạc, ruộng đồng yên bình, trù phú. Đền được thiết kế xây dựng, bài trí độc đáo, đậm màu sắc truyền thống và toát lên vẻ nghiêm cẩn, uy linh.

Đền Long Động thờ ba nhà khoa bảng hàng đầu của Đất Việt là: Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quang và Mạc Đĩnh Chi. Mạc Đĩnh Chi tự là Tiết Phu (sinh năm 1272), người làng Long Động, xã Nam Tân (Nam Sách). Tương truyền, thưở nhỏ nhà nghèo nhưng Mạc Đĩnh Chi rất ham học. Không có đèn dầu ông đốt củi, lá cây và bắt đom đóm cho vào vỏ trứng, lấy ánh sáng để học. Do có nghị lực phi thường cộng với trí thông minh hiếm có, Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng thần đồng nho học xứ Đông. Năm 32 tuổi, ông đỗ trạng nguyên năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long 12 (1304), là danh nhân văn hóa nổi tiếng làm quan dưới 4 đời vua triều Trần. Ông đã hai lần đi sứ nhà Nguyên, với tài ngoại giao kiệt xuất, ứng đối văn thơ "đứng đầu quần nho", ông được vua nhà Nguyên phong là trạng nguyên của hai nước (Lưỡng quốc Trạng nguyên). Tuổi cao, ông đã về dạy học ở quê nhà, góp phần đưa vùng đất Thanh Lâm xưa, Nam Sách nay trở thành vùng đất văn hiến và khoa bảng. Trong suốt cuộc đời, ông sống bình dị, ngay thẳng, liêm khiết được người đời khâm phục. Ông mất năm 1346 tại quê nhà. Tài năng, đức độ, sự cống hiến của ông đối với giang sơn còn mãi lưu truyền như lời vua Trần Nhân Tông ca tụng: "Ông là một bậc quý nhân cao sang, một đóa hoa sen vàng trong tòa giếng ngọc".

Đền Long Động được xây dựng sau khi Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi qua đời. Trước năm 1953, di tích là công trình khá đồ sộ. Tồn tại hơn 6 thế kỷ, tuy đã tu bổ nhiều lần nhưng trong kháng chiến chống Pháp, đền bị giặc phá hoàn toàn. Năm 1992, ngôi đền được chính quyền xã Nam Tân, nhân dân làng Long Động và hậu duệ của ông phục dựng tuy còn mộc mạc. Đến năm 1995, đền được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2009, đền được trùng tu tôn tạo trên diện tích hơn 22 nghìn m2 bằng chất liệu quý và kiểu kiến trúc truyền thống gồm 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ, 3 gian hậu cung, nhà tả vu, hữu vu, lầu thiên hương, tam quan. Trong khuôn viên đền còn có giếng cổ, nhà bia, nhà tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi.

Công trình được hoàn thành tương xứng với giá trị to lớn của di tích, trở thành một địa chỉ hấp dẫn khách du lịch. Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi không chỉ là công trình văn hóa mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu học cho các thế hệ mai sau.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích của đền thờ, UBND xã Nam Tân đã kiện toàn Ban quản lý, Ban khánh tiết di tích, gồm những người nhiệt tình, tâm huyết và chủ yếu là con cháu Mạc tộc thôn Long Động. Ngày thường hay tuần rằm, mùng một, đền luôn có người trông nom, hương khói. Còn những ngày Tết, dịp lễ hội thì mỗi thành viên trong ban được phân công một nhiệm vụ để đón tiếp con em, du khách được chu đáo nhất. Những năm gần đây, con em họ Mạc và du khách thập phương về với đền ngày càng đông.

Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cũng trở thành biểu tượng của tinh thần hiếu học, là nơi học sinh, sinh viên thường về lễ đầu năm mới hay trước các kỳ thi để bày tỏ lòng thành kính trước bậc hiền nhân và cầu mong trí tuệ thông suốt, thi cử đạt kết quả cao, công danh hiển đạt. Tại nhà khách của đền có trưng bày những tấm bảng ghi về thân thế và khoa nghiệp, trích dẫn về tài ứng đối, ngoại giao của Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Hằng năm, từ mồng 9 đến 11 tháng 2 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống đền Long Động để du khách thập phương và bà con thân tộc hội tụ về dâng lễ, thắp nén tâm hương bái yết tri ân với tấm lòng thành kính trước một danh nhân văn hóa lỗi lạc, bậc hiền tài của quê hương, đất nước - Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

NHƯ HUẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đền Long Động