Đền Cả, nơi thờ vị thần làng Ngọc Hoà, xã Vĩnh Hoà (Ninh Giang), là nơi thực hành các nghi thức cúng tế đã hơn 800 năm nay.
Đền Cả, nơi thờ vị thần làng Ngọc Hòa
Sự tích ngôi đền được ghi chép và kể lại như sau:
Cuối năm Giáp Thìn 1124, theo chiếu chỉ của vua Lý Nhân Tông, gần nơi an táng vị thần “Nguyệt Quỳnh Công Chúa”, dân trại Thì Ung đã lập một ngôi miếu nhỏ để thờ phụng Ngài. Tương truyền, một hôm có gia đình mất một con trâu. Tìm mãi thì thấy trâu đang nằm phục trước bát hương trên mộ Ngài. Mọi người thấy sự lạ, cho là bát hương đã bay từ miếu tới đó. Vì vậy, họ đã góp của, góp công dựng một ngôi miếu khác lớn hơn ở đây.
Vào ngày 16-5 năm Quý Dậu (1783), nhân đón sắc phong của vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44), dân làng Hoà Ung lúc đó đã long trọng khởi công xây dựng ngôi đền mới, to đẹp hơn, thay thế ngôi miếu cũ. Đền mới được gọi là đền Cả, tọa lạc trong một khuôn viên rộng hơn 3.000 m2.
Ngôi đền có một toà chính điện 3 gian và một hậu cung, xây theo hình chữ T, cửa nhìn hướng bắc. Một am thờ ngoài trời, nơi phần mộ vị thần và năm gian nhà tế, cửa nhìn hướng tây. Trước mặt đền có một hồ nước, thả sen. Xung quanh đền trồng nhiều cây cổ thụ và các loài hoa, cây cảnh… tạo nên một quang cảnh thâm nghiêm, tĩnh mịch.
Toà chính điện được dựng theo kiến trúc cổ, tường xây bằng gạch đất nung. Cột, kèo, chồng cốn, tầu, xà… đều bằng gỗ lim, có nhiều họa tiết hoa văn được chạm trổ rất tinh vi. Cung thờ chính có ngai, bài vị, quạt ngà do vua ban tặng. Hai gian tả, hữu là ban thờ thân phụ và thân mẫu Ngài. Các đồ khí tự trong đền có đủ hoành phi, câu đối, hương án, bát hương, lộc bình, kiệu đòn rồng, bát biểu, quy, hạc... Mái đền lợp ngói mũi hài, trên nóc có đôi rồng chầu mặt trời, bốn góc mái là bốn đầu đao cong vút. Khoảng trước năm 1670 đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng Hoà Ung tách thành 2 làng Ngọc Lôi và Hoà Ung, nhưng vẫn thờ chung một vị thần nên đền lúc này có tên tự là “Hoà Ngọc Linh Từ”.
Đền Cả không những chỉ là nơi diễn ra các nghi thức lễ hội thờ phụng Thành hoàng làng mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động của các lực lượng yêu nước, cách mạng cuối thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhất, đền Cả đã từng là nơi đặt sở chỉ huy của nghĩa quân do Nguyễn Trọng Vinh lãnh đạo. Tại đây, ngày 13-12-1897 cũng đã diễn ra lễ tế cờ và xuất quân của nghĩa quân Kỳ Đồng do Đốc Liễu và Đội Ba chỉ huy tiến đánh đồn giặc Pháp ở phủ Ninh Giang.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (1946-1954), đền Cả là nơi diễn ra nhiều hoạt động của Việt Minh và quần chúng cách mạng, là nơi sinh hoạt thường kỳ của tổ Đảng An Bình thuộc Chi bộ Đảng xã Đồng Tâm (bao gồm cả xã Vĩnh Hoà ngày nay). Đặc biệt, tại đây đã diễn ra nhiều buổi lễ tiễn đưa thanh niên tình nguyện của xã lên đường ra mặt trận giết giặc.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đền Cả cũng từng là nơi mà nhiều cơ quan, trường học trong và ngoài tỉnh như Trường Trung cấp Sư phạm Hải Dương, Trường Đại học Hàng hải Hải Phòng... sơ tán về.
Suốt chiều dài trên 800 năm, đền Cả đã tồn tại và trở thành một công trình văn hoá - lịch sử mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương. Nhưng do được xây dựng quá lâu, nên ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng.
Sau hàng chục năm bị sao nhãng, đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ngôi đền cùng các hoạt động lễ hội tôn vinh Thành hoàng dần dần được khôi phục. Tháng 11-2003, đền Cả được tu bổ. Đến nay, ngôi đền đã trở nên vững chãi, khang trang. Đền vẫn giữ được kiến trúc trước đây, trên nền xưa, hướng cũ. Kết cấu toà chính điện có phần còn chắc chắn hơn, vì được xây dựng bằng xi-măng cốt thép. Cửa võng, hoành phi, câu đối, ngai, kiệu, bát bảo… đều bằng gỗ sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Đền Cả hằng năm vẫn diễn ra các hoạt động lễ hội của dân làng cùng khách thập phương, tôn vinh công đức vị Thành hoàng làng và thoả mãn nhu cầu đời sống tâm linh của mọi người. Ngôi đền đã và đang là một địa chỉ văn hoá thu hút nhiều du khách. Nhà nước cần xem xét, xếp hạng, tạo cơ sở pháp lý cho việc trùng tu và bảo vệ lâu dài.
NGUYỄN NGỌC ẢNH