Bảo đảm cho những chuyến tàu an toàn chính là trách nhiệm của những công nhân gác chắn. Trong màn đêm, họ vẫn như ngọn đèn canh gác cho sự bình yên, an toàn của tuyến đường sắt ngang qua Hải Dương.
22 giờ đêm, trong căn phòng nhỏ chưa đầy 10 m² trên đường Điện Biên Phủ (TP Hải Dương), chuông điện thoại trực ban vang lên, chị Ngô Thị Lập cùng đồng nghiệp nhanh chóng vào vị trí làm việc. Đôi bàn tay của người phụ nữ gần 50 tuổi thoăn thoắt thực hiện các thao tác bật tín hiệu và xách chiếc đèn vuông ra vị trí đường ngang.
Giữa làn xe cộ dần thưa thớt về đêm, chị Lập khoác lên mình chiếc áo phản quang, đầu đội mũ kê pi, vừa đẩy rào chắn, vừa quan sát phương tiện đang lưu thông. Gác chắn gần đóng, một chiếc xe máy vẫn cố lách qua, va vào chắn làm rơi gương ngay đường ray. Chị Lập bình tĩnh ra tín hiệu cho xe qua trước rồi hỗ trợ trả lại đồ sau.
Những công nhân đường sắt như chị sẽ nghiêm chỉnh đứng vào vị trí đón tàu, tay giơ cao đèn, ánh mắt kiên định quan sát tàu và xe cộ. Tiếng còi báo hiệu từ xa, đoàn tàu dần xuất hiện với luồng ánh sáng lớn vụt qua.
Lần này là một đoàn tàu chở hàng, xình xịch lăn trên đường ray rung chuyển cả mặt đất. Tàu qua, chị Lập đẩy rào chắn, ra tín hiệu cho các phương tiện tiếp tục lưu thông. Trở về trạm gác, khuôn mặt chị thoải mái, vui vẻ hơn.
Thời điểm mà cả thành phố dần chìm vào giấc ngủ thì những công nhân như chị Lập vẫn đang gác an toàn cho những chuyến tàu đêm. 31 năm trong nghề, mỗi chuyến tàu qua an toàn là nhiệm vụ, cũng là hạnh phúc của chị cùng mọi người.
Khi không có tàu tới, công nhân gác chắn lại tranh thủ ghi chép lịch trình tàu chạy. Ca đêm bắt đầu từ 18 - 6 giờ 45 hôm sau và bảo đảm đủ 2 người trực. Mỗi ca đêm, sẽ có 2 chuyến tàu khách cố định từ 18 - 20 giờ. Còn tàu hàng tuỳ thuộc theo ngày, trung bình từ 5 - 6 chuyến.
Khoảng 1 giờ đêm, không gian tĩnh mịch, chỉ còn lại âm thanh của điện thoại, còi báo hiệu và tàu qua. Thêm một chuyến tàu hàng nữa, ngoài trời lất phất mưa, công nhân nơi gác chắn vẫn thuần thục các thao tác, tuân thủ quy tắc giữ bình yên cho chuyến tàu.
Tại gác chắn chân cầu Đồng Niên, anh Nguyễn Quang Nhâm, người đã gắn bó với nghề 28 năm cho biết: “Tàu cứ chạy rải rác trong đêm, có khi là 1 giờ hoặc 3 giờ chứ không cố định trước. Chính vì thế, lúc nào chúng tôi cũng phải tỉnh táo, sẵn sàng đón tàu”.
Thức trắng đêm nên nước chè, cà phê đã trở thành “bạn đồng hành” giúp họ tỉnh táo hơn. Vào mùa đông, ca đêm càng trở nên khó khăn với thời tiết khắc nghiệt, cảm giác đêm dài hơn ngày.
“Mùa đông, 18 giờ đã tối lắm rồi và sáng 6 giờ thì trời vẫn chưa sáng. Ngồi trong trạm gác đã thấy rét rồi nhưng khi ra đón tàu thì lại càng rét, nhất là những hôm mưa phùn gió bấc”, anh Nhâm chia sẻ thêm.
Nguy hiểm hơn là những lần bị trêu ghẹo, làm phiền bởi những tay bợm nhậu về khuya hay những kẻ mang tâm lý bất thường. Đôi khi, họ phải thực hiện "công tác dân vận" với hàng xóm để nhờ giúp đỡ khi gặp nguy hiểm.
Có lần đang ngồi trong trạm, chị Lập thấy một người đàn ông có biểu hiện biến thái tới gõ cửa, xin xỏ và cố tình trêu ghẹo. Ca trực hôm ấy chị và đồng nghiệp đều là nữ, 2 chị em chỉ biết đóng chặt cửa, nhẹ nhàng giải thích, thuyết phục để người đó rời đi. Nhớ lại lần ấy, chị Lập vẫn thấy sợ.
Nhà ở gần một gác chắn tàu, chị Ngọc Lan (phường Bình Hàn, TP Hải Dương) chia sẻ: “Bản thân mình tối được ở trong nhà còn sợ, huống họ đang làm việc ngoài kia. Thức đêm lại càng khó khăn nên nhiều lúc chúng tôi cũng nhiệt tình giúp đỡ họ”.
Trở lại với gác chắn, thi thoảng cuộc nói chuyện của chúng tôi lại ngắt quãng vì có tàu đến. Công việc của họ luôn phải tuân thủ những quy tắc, được gọi là nghề không có từ “ưu tiên” bởi “an toàn là trên hết”. Sẵn sàng bảo đảm an toàn cho cả đường sắt và đường bộ, thế nhưng không phải ai cũng hiểu cho công việc của họ.
Nhiều lần bị nghe người dân mắng khi đang thực hiện nhiệm vụ, áp lực với thái độ, ý thức của một số người đi đường khiến họ không khỏi nặng lòng. Dù vậy, họ vẫn luôn giữ thái độ hoà nhã.
“Mình rất biết ơn những người gác tàu, nhờ họ mà giao thông đường bộ, đường sắt được an toàn. Mình hay đi về khuya qua gác chắn Ngô Quyền, nhiều khi cũng thấy bức xúc thay họ vì một số người thiếu ý thức”, anh Minh Tuấn (phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) bày tỏ.
Làm ca đêm, những đồng nghiệp như chị Lập và anh Nhâm không thể dành nhiều thời gian cho gia đình, con nhỏ phải nhờ tới ông bà chăm sóc. Vào những ngày cuối tuần hay lễ, Tết, tàu chạy tăng chuyến, ca đêm lại càng trở nên vất vả.
“Làm quen rồi nên không muốn thay đổi”, “cứ làm dần dần tự dưng có cảm giác yêu nghề”... là những tâm sự của họ, dẫu cho nghề còn nhiều khó khăn. Với họ, “an toàn là trên hết” chính là tôn chỉ để gắn bó với nghề.
KHÁNH LINH