Trước đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới ở Việt Nam từ 5-14 ngày lên tối thiểu 30 ngày, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng hơn.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung thêm trợ cấp thai sản - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH
Đề xuất nói trên là của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Tiểu ban Phụ nữ trong kinh doanh (WIB SC), gửi tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Tại sao cần tăng thời gian nghỉ thai sản?
Hai cơ quan này cho rằng cha và mẹ cần được hưởng thời gian nghỉ thai sản bình đẳng. Điều này giúp trẻ phát triển tốt hơn, bảo đảm bình đẳng giới trong xã hội, giảm khoảng cách tiền lương giữa các giới.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hiện quy định lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ 5 ngày làm việc, khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi, được nghỉ 7 ngày làm việc.
Trong văn bản kiến nghị, đại diện EuroCham cho rằng tháng nghỉ thai sản rất cần thiết cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể giảm cơ hội cạnh tranh nghề nghiệp cũng như đưa ra lương khởi điểm thấp hơn với ứng viên nữ khi tuyển dụng nhằm giảm chi phí khi phụ nữ nghỉ thai sản.
Do đó, nếu tăng số ngày nghỉ thai sản cho cả cha và mẹ thì sẽ giảm bớt điều này (tổng khoảng một năm). Chẳng hạn, Phần Lan đã quy định cả cha và mẹ sẽ được hưởng 160 ngày nghỉ phép có lương và đều hưởng quyền lợi như nhau trong những ngày nghỉ này.
Theo đề xuất của EuroCham và WIB SC, việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới ở Việt Nam từ 5 - 14 ngày lên 6 tháng là cần thiết. Tuy vậy, với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này, hai cơ quan trên đề xuất tăng thời gian nghỉ nói trên lên tối thiểu 30 ngày.
Các tổ chức quốc tế đánh giá nếu tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới thì cả mẹ và con đều hưởng lợi về sức khỏe, tinh thần - Ảnh: HÀ QUÂN
Chưa thể tăng thời gian nghỉ thai sản ngay
Trao đổi với phóng viên chiều 3.4, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho hay thời gian qua quỹ thai sản có mức thu - chi ngang nhau.
Thậm chí, có năm, mức chi còn cao hơn mức thu, phải bù từ kết dư các năm trước. Bản chất quỹ này là ngắn hạn nên tăng thời gian nghỉ thai sản đồng nghĩa với tăng mức đóng.
Ông Cường phân tích nếu tăng tỉ lệ đóng thì các doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tính toán quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội.
Mặt khác, đề xuất chế độ thai sản cần xác định xu hướng chung của các nước trên thế giới, không lấy phiến diện một vài nước như Phần Lan hay Mỹ để áp dụng vào Việt Nam, vì điều kiện kinh tế, quy mô quỹ thai sản các nước không giống nhau.
Ông Nguyễn Duy Cường cũng lưu ý là lao động nam hiện có nhiều quyền lợi trong chính sách thai sản: ngoài được nghỉ 5 - 14 ngày theo quy định, trường hợp vợ không đủ sức khỏe chăm sóc cho con, đối tượng này vẫn được nghỉ và hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Bộ luật Lao động 2019 còn khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ người lao động khi hưởng thai sản như bỉm sữa, hưởng lương.
Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chưa đề cập việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới, theo ông Cường. Về lâu dài, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu tác động của việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đề xuất người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản khi là lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Những người này phải đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Mức hưởng 2 triệu đồng/con mới sinh với lao động nữ khi sinh con hoặc chồng đang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có vợ sinh con.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng sẽ được hưởng trợ cấp thai sản. Nếu cả cha và mẹ cùng đóng bảo hiểm xã hội thì chỉ một trong hai được hưởng. Theo đề xuất, ngân sách nhà nước sẽ chi trả phần trợ cấp thai sản trên.
Theo Tuổi trẻ