Điều kiện hưởng loại trợ cấp này là người từ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (lộ trình nam 62 tuổi vào năm 2028 và nữ 60 tuổi năm 2035), đóng BHXH dưới 15 năm mà không có lương hưu.
Theo dự thảo, người từ 60 đến dưới 80 tuổi, chưa đóng đủ 15 năm BHXH, nếu có nguyện vọng thì được nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng. Nhóm này được cấp bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, hỗ trợ mai táng phí 10 triệu đồng mỗi người khi qua đời. Mức trợ cấp được Chính phủ điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng, tình hình kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách.
Mức hưởng cho nhóm này tùy vào thời gian tham gia và tiền lương tháng đóng BHXH. Trong quá trình hưởng, nếu lao động qua đời thì thân nhân được nhận một lần số tiền người đó chưa hưởng hết cùng 10 triệu đồng trợ cấp mai táng.
Người từ 80 tuổi trở lên, không đóng BHXH và không có lương hưu, ngân sách nhà nước chi trợ cấp xã hội 500.000 đồng mỗi tháng. Tuổi hưởng trợ cấp có thể được thấp hơn, mức hưởng cao hơn và được đề xuất giao cho Chính phủ quy định theo từng thời kỳ tùy vào ngân sách. Theo quy định hiện hành, mức trợ cấp xã hội cho người từ 80 tuổi trở lên là 360.000 đồng.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10.2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5.2024, có hiệu lực từ 1.1.2025.
Cả nước có khoảng 5 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng. Khoảng 9,6 triệu người trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030.
Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên hợp quốc cho kết quả nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
Theo VnExpress