Đề xuất mô hình thị trưởng cho TP Hồ Chí Minh

14/12/2022 16:15

UBND TP Hồ Chí Minh nên tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình thị trưởng, khi đó trụ sở cơ quan này sẽ là Toà thị chính như một số thành phố lớn trên thế giới, theo các chuyên gia.

Đề xuất được TS Trần Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước đưa ra tại hội thảo Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị do Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức, sáng 14.12. Mới đây, Bộ Nội vụ cũng đề nghị nghiên cứu mô hình tòa thị chính, thị trưởng ở đô thị phù hợp với đặc thù Việt Nam.

Theo TS Hà, trong mô hình thị trưởng, trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh nên được đổi tên thành Toà thị chính, do Thị trưởng đứng đầu và có quyền quyết định các chức danh cấp phó và bộ máy tham mưu, giúp việc. Chức năng chủ yếu của Toà Thị chính là quản lý địa phương, thi hành văn bản của HĐND, chịu trách nhiệm trước HĐND thông qua cơ chế bãi miễn. Thị trưởng cũng có trách nhiệm trong điều phối việc cung cấp dịch vụ công về giao thông, nhà ở, việc làm...

TS Trần Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh

Chuyên gia này cho rằng cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND TP Hồ Chí Minh trong mô hình chính quyền đô thị hiện không đáp ứng đòi hỏi quản lý một đô thị thực sự, mà chỉ là chính quyền địa phương ở đô thị. Bởi cơ cấu này tuân thủ mô hình truyền thống, vốn thiên về nông thôn hơn thành thị, và không khác nhiều so với các tỉnh.

Một trong những nhược điểm nổi bật là quyền hạn của Chủ tịch thành phố bị hoà lẫn với UBND khi tuân thủ nguyên tắc "thảo luận tập thể, biểu quyết đa số". Người đứng đầu bị hạn chế bởi phương thức ra quyết định tập thể vốn tốn nhiều thời gian, không phù hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh hàng giờ, hàng ngày của đô thị. Do đó, mô hình thị trưởng sẽ đề cao chế độ thủ trưởng, đặt nặng dấu ấn trách nhiệm của Chủ tịch UBND.

Theo TS Hà, mô hình thị trưởng khả thi bởi hiện UBND TP HCM và các cấp thực tế không hoạt động thuần tuý theo chế độ tập thể lãnh đạo. Bên cạnh nguyên tắc "thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số", vẫn tồn tại đáng kể vai trò điều hành của cá nhân người đứng đầu. Thậm chí, thực tế vai trò Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh có sự lấn át vì điều hành thường xuyên, trực tiếp, giữ tiếng nói chi phối.

"Đây không phải sự sao chép máy móc, mà là chuyển đổi phù hợp xu hướng phát triển của các thiết chế hành chính nhà nước ở đa số quốc gia", TS Hà nói và cho rằng nếu theo đuổi mô hình này, lộ trình phải khá kỹ lưỡng như có cơ chế kiểm soát quyền lực trực tiếp thông qua dân bầu và bãi miễn.

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thanh Quyên và ThS Huỳnh Thị Hồng Nhiên, Khoa Hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, dẫn chứng mô hình thị trưởng được áp dụng ở nhiều đô thị lớn trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), Berlin (Đức), New York (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc)...

Một điển hình là Bắc Kinh hiện theo mô hình đại hội nhân dân - thị trưởng. Chính quyền thành phố gồm thị trưởng, các phó thị trưởng, tổng thư ký và giám đốc các sở, ban, ngành. Chính quyền quận gồm Chủ tịch, phó chủ tịch, chủ nhiệm các uỷ ban và các giám đốc của phòng, ban. Các thành viên của chính quyền thành phố được đại hội nhân dân (là đại biểu do cử tri bầu cử trực tiếp) bổ nhiệm, nhiệm kỳ 5 năm.

Chuyên gia đề xuất TP HCM đổi sang mô hình thị trưởng, trụ sở UBND thành phố sẽ được gọi là Toà Thị chính. Ảnh: Quỳnh Trần

Trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 được đề xuất đổi thành Toà thị chính theo mô hình thị trưởng

Từ kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia đúc kết trách nhiệm, quyền năng của thị trưởng được thiết kế theo nguyên tắc "trọn gói" nên khi vận động tranh cử phải "chào hàng" và đưa ra các cam kết như bản "hợp đồng tranh cử", ví dụ về chất lượng dịch vụ công, thuế, giá cả... HĐND sẽ giám sát việc thực thi hợp đồng này của thị trưởng.

Hai chuyên gia này cho rằng, mô hình người đứng đầu đô thị chịu trách nhiệm quản lý khá hiệu quả, và kiến nghị nên nghiên cứu mở rộng thẩm quyền cho người đứng đầu, bao quát toàn diện các lĩnh vực của đô thị. Đi kèm với thẩm quyền là trách nhiệm lớn và mọi sai sót trong chất lượng dịch vụ công đều quy trách nhiệm về người đứng đầu.

Cần cơ chế phân quyền mạnh hơn cho TP Hồ Chí Minh cũng là quan điểm của TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Bà cho rằng, một đô thị muốn vận hành, quản lý chỉn chu, đứng vững thì phải có thẩm quyền riêng, nhưng TP Hồ Chí Minh 20 năm qua vẫn "dò đường", đi đến đâu tính đến đó, Trung ương cho bao nhiêu làm bấy nhiêu, làm hết thì xin tiếp cơ chế khác.

"TP Hồ Chí Minh không chỉ nghẽn về cơ chế quản lý, mà còn nghẽn trong tầm nhìn về chính sách. Lý do căn cơ là Trung ương chưa phân cấp hết những thẩm quyền đáng lẽ phải cho chính đô thị tự quyết", bà nói và cho rằng thành phố đang phụ thuộc quá lớn vào Trung ương nên thiếu đi tính năng động.

Các ý kiến, kiến nghị của chuyên gia tại hội nghị sẽ được gửi đến Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan. Nghị quyết chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua năm 2020, thành phố áp dụng từ 1.7.2021 sau thời gian dài đeo bám. Trước đó, thành phố có 7 năm (2009-2016) thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Sau hơn một năm thực hiện, các địa phương đối mặt nhiều khó khăn và tiếp tục kiến nghị Trung ương sửa đổi một số điều trong nghị quyết này.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất mô hình thị trưởng cho TP Hồ Chí Minh