Mô hình ‘dòng họ học tập’ ở Hải Dương ngày càng lan tỏa, góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Đã trở truyền thống, vào dịp trước thềm năm học mới, con cháu dòng họ Trần Văn ở phường Chí Minh (TP Chí Linh) lại quy tụ tại nhà thờ họ để tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Ông Trần Văn Khải, Trưởng tộc dòng họ Trần Văn cho biết từ năm 2013, Quỹ Khuyến học dòng họ mới chính thức hoạt động bài bản và chuyên nghiệp. Ban Khuyến học dòng họ đã xây dựng quy ước hoạt động, nêu cụ thể các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện từng năm từ phát triển hội viên, xây dựng quỹ đến quy định các hình thức khen thưởng, sau đó triển khai tới từng gia đình.
Xác định Quỹ Khuyến học có vai trò quan trọng để duy trì và phát triển phong trào khuyến học trong dòng họ, Ban Khuyến học đã tích cực huy động nhiều nguồn lực. Ngoài đóng góp định kỳ của các thành viên trong dòng họ, quỹ còn được bổ sung từ nguồn công đức của dòng tộc ngày Tết, con cháu làm ăn xa quê, nước ngoài. Quỹ duy trì thường xuyên khoảng 50 triệu đồng, hằng năm trích khoảng khoảng 15 triệu đồng khen thưởng con cháu.
Để khích lệ con cháu tích cực học tập, ngoài tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm kèm cặp, định hướng, dòng họ còn nêu gương gia đình hiếu học, thành đạt. Đặc biệt, dòng họ quan tâm khen thưởng vào dịp năm học mới, chú ý đến cả học sinh khá.
Dòng họ Trần Văn là dòng họ điển hình về khuyến học, khuyến tài trong hơn 500 dòng họ khuyến học ở TP Chí Linh và cũng là điển hình của tỉnh. Nhiềm năm liền, dòng họ được Hội Khuyến học các cấp khen thưởng.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 8.800 dòng họ đã thành lập được Ban Khuyến học, tăng gần 1.000 dòng họ khuyến học so với năm 2020. Trong đó, 83,2% số dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập.
Các dòng họ đã chú trọng huy động quỹ từ việc đóng góp của các hội viên và do con cháu trong họ ủng hộ, tài trợ thêm, góp phần huy động nguồn lực lớn cho công tác khuyến học, khuyến tài tại các địa phương.
Không chỉ học sinh, Ban Khuyến học các dòng họ còn động viên người lớn tích cực học tập dưới nhiều hình thức như học qua sách báo, đài, internet, qua các lớp do Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức. Động viên các gia đình giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, phát triển kinh tế; xây dựng dòng họ học tập với xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa... Từ sự quan tâm đẩy mạnh hoạt động khuyến học trong các dòng họ, người dân đã nhận thức rõ phong trào khuyến học, khuyến tài không còn là việc riêng của mỗi gia đình, dòng họ mà thực sự trở thành việc chung của cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Nhang, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh luôn đưa việc xây dựng mô hình "dòng họ học tập" là một trong những nội dung trọng tâm hằng năm. Từ đó, các cấp hội chú trọng triển khai nội dung, bộ tiêu chí dòng họ học tập đến hội viên và tổ chức cho các dòng họ đăng ký danh hiệu này. Công tác tuyên truyền nhấn mạnh vào ý nghĩa, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc học nói chung và xây dựng dòng họ học tập nói riêng.
Các cấp hội đã bám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức, cách làm của các dòng họ. Đồng thời làm tốt công tác bình xét, công nhận danh hiệu dòng họ học tập và biểu dương, khen thưởng kịp thời các dòng họ học tập điển hình.
“Để phong trào khuyến học, khuyến tài trong các dòng họ lan tỏa hơn nữa, các cấp hội sẽ tiếp tục bám sát cơ sở; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân tích cực xây dựng ý thức học tập ngay trong mỗi gia đình, dòng họ. Tuyên truyền, hướng dẫn những dòng họ chưa có quy ước xây dựng quy ước khuyến học. Các dòng họ đa dạng hình thức giáo dục truyền thống hiếu học để con cháu phấn đấu vươn lên. Có nhiều hình thức phong phú để xây dựng Quỹ Khuyến học ổn định và bền vững”, ông Nhang nói.
THẾ ANH