Giá điện có thể được xét thay đổi 2 tháng một lần, thay vì 3 tháng như hiện nay, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên, theo dự thảo Nghị định của Bộ Công thương.
Theo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành hồi tháng 3, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng.
Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Công thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng kể từ lần thay đổi gần nhất. Tức là, mỗi năm có thể sẽ có 6 đợt thay đổi giá, thay vì 4 như hiện nay.
Cùng với đó, giá bán điện bình quân được cập nhật hằng quý theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá sẽ giảm tương ứng.
Giá bán lẻ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 2% trở lên. Mức này cũng thấp hơn so với quy định 3% đang áp dụng.
Theo Bộ Công thương, việc sửa đổi nguyên tắc về mức, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân để phù hợp với Luật Điện lực (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua cuối tháng 11. Cụ thể, luật quy định giá bán lẻ điện được phản ánh, điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của đầu vào. Việc này giúp bù đắp chi phí với lợi nhuận hợp lý để doanh nghiệp bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh.
Nhà điều hành cũng cho biết quy định này phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về "tránh giật cục trong điều hành giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm". Mặt khác, hiện các thông số đầu vào biến động khá lớn trong thời gian ngắn, theo Bộ Công thương, các thay đổi này cần được phản ánh kịp thời để hạn chế tác động đến mức điều chỉnh.
Ở dự thảo lần này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có quyền điều chỉnh giá điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng dưới 5%. Song, biên độ điều chỉnh được nới rộng từ 2-5%, thay vì 3-5% như hiện tại.
Thẩm quyền điều chỉnh giá của Bộ Công thương vẫn như hiện nay, khi giá điện bình quân tăng 5-10%. Còn chi phí thay đổi trên 10%, Thủ tướng quyết định việc tăng giá.
Dự thảo cũng bổ sung cơ sở xác định lợi nhuận định mức trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các đơn vị hạch toán phụ thuộc chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của các khâu này được xác định bằng mức trung bình lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân của 4 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank) tại ngày 30/9 của 5 năm liền kề trước đó.
Bộ Công thương lý giải việc bổ sung quy định về cơ sở xác định lợi nhuận định mức phù hợp với Luật Điện lực (sửa đổi), bảo đảm lợi nhuận hợp lý để doanh nghiệp bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh. Việc này cũng bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch và cơ sở thực hiện.
Năm 2023, giá điện được điều chỉnh hai lần, lần lượt tăng 3% vào tháng 5 và 4,5% vào tháng 11.
Hiện giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 05/2024, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 3 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Nhưng quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Hồi giữa tháng 10, giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, ở mức 2.103,11 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
VN (theo VnExpress)