Đổi mới lương tối thiểu vùng là mong mỏi của công nhân, người lao động gửi gắm tới Đảng, Nhà nước thông qua Công đoàn.
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sáng 3/12, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đọc báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn với Đảng, Nhà nước.
Thông qua đại hội công đoàn các cấp, Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được 445 ý kiến. Đây cũng chính là tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nhiều ý kiến mong Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động.
Đặc biệt là Đảng, Nhà nước xem xét, nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động.
Trong khuôn khổ đại hội, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ 5 năm qua, Công đoàn đã kiến nghị tiền lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Đó là một trong những nguyên nhân khiến số cuộc ngừng việc tập thể giảm 55,3%.
Bên cạnh đó công nhân mong có thêm nguồn lực thúc đẩy đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân.
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, mong mỏi của nhiều người lao động là cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Từ đó người lao động nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại hệ thống bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội.
Ngoài ra công nhân mong Chính phủ xem xét giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu, đề xuất giảm giờ làm việc với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần.
Việc này tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc con cái, bảo đảm hạnh phúc gia đình, đồng thời hướng tới công bằng với giờ làm khu vực hành chính (40 giờ/tuần).
Nhiều đoàn viên mong Công đoàn sẽ kiến nghị Chính phủ sớm trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.
Trước đó, tháng 2/2023, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang đã kiến nghị Thủ tướng nội dung này. Khi đấy, ông Khang bày tỏ những người này không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu. Qua đó, các bên sẽ báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết.
Theo ông Hiểu, báo cáo cũng nêu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm vào thời điểm thích hợp. Bởi số ngày nghỉ như thế tại Việt Nam đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày.
Có ý kiến cho rằng việc bổ sung 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh, tức nghỉ từ mùng 2 đến 5/9, tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.
"Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường", ông Hiểu nêu.
Theo Bộ luật Lao động 2019, nước ta có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm Tết Dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày), Chiến thắng 30/4 và Quốc tế Lao động (2 ngày) và Quốc khánh 2/9 (2 ngày).
Theo Tuổi trẻ