Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10 là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam tái khởi động. Thực thi có hiệu quả Nghị quyết 128 để "cởi trói" cho du lịch nội địa vốn đang rất khó khăn.
Mở rộng cơ hội đón khách quốc tế
Sáng 15.10, Báo Nhân Dân và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp tổ chức tọa đàm trực tuyến "Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19", trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhận định việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10 là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế. Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc là tín hiệu vui để ngành du lịch có thêm động lực phục hồi từng bước, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Về đón khách quốc tế đến Việt Nam, ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết hiện nay ngoài Phú Quốc, nhiều địa phương đã chuẩn bị phương án trình cấp có thẩm quyền như Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa. Trong đó, Khánh Hòa trong tháng 10 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho toàn bộ nhân lực du lịch và đề xuất thí điểm đón khách quốc tế đến khu vực Cam Ranh. "Bên cạnh thí điểm tại Phú Quốc, chủ trương hiện nay là tạo điều kiện cho các địa phương khác nếu chủ động chuẩn bị đầy đủ điều kiện, như vậy sẽ tạo ra sức mạnh tổng lực" – ông Đoàn Văn Việt nói.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong giai đoạn thí điểm, khách du lịch quốc tế được ưu tiên lựa chọn từ các thị trường du lịch có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại một số khu vực như Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông..., đáp ứng các yêu cầu về "hộ chiếu vaccine" và các điều kiện khác.
Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết hiện nay đã có cam kết của doanh nghiệp đưa du khách về từ thị trường Nga, ngoài ra thị trường Tây Âu, Israel cũng quan tâm đến Việt Nam. Tổng cục Du lịch đang phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện quy trình cấp thị thực, xét duyệt "hộ chiếu vaccine" cũng như chuẩn bị các điều kiện, sản phẩm cho chương trình thí điểm tại Phú Quốc.
Cần "cởi trói" cho du lịch nội địa
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, lao động du lịch trong thời gian qua, nhưng lúc này toàn ngành du lịch cần có cách tiếp cận tích cực để “cùng đi và cùng đến đích là sự phục hồi”. Trong thời gian tới, hoạt động du lịch nội địa sẽ được ưu tiên, đây là cơ sở khởi động lại du lịch.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Mỗi tỉnh cần xây dựng ít nhất 1 sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn để du khách lựa chọn. Sản phẩm đó phải đáp ứng nhu cầu, thi hiếu của khách sau đại dịch. Đảm bảo du lịch nội địa an toàn nhất, dựa vào đó để phục hồi ngành du lịch và thí điểm đón khách quốc tế”.
Đại diện các doanh nghiệp tại tọa đàm cho rằng vướng mắc lớn nhất của hoạt động du lịch nội địa hiện nay là khó khăn khi di chuyển giữa các tỉnh và sự khác biệt về chính sách giữa các địa phương.
Bà Trần Nguyện - Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World (Sun Group) cho rằng nếu chỉ hoạt động nội tỉnh thì chưa thể thúc đẩy du lịch nội địa, khi chưa mở rộng ra cả nước thì nên hoạt động trong nội vùng. Theo bà Nguyện, hiện nay khu vực Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và Lào Cai đã kiểm soát tốt dịch bệnh thì nên xây dựng hàng lang du lịch xanh cho du khách. Nguồn khách ở Hà Nội rất lớn, nếu bị "trói chân" như hiện nay thì không thể phát triển du lịch được.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình cho biết các doanh nghiệp du lịch rất lo lắng về sự thống nhất giữa các tỉnh khi phân định vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng. "Nếu đi từ vùng xanh mà vẫn bị chặn lại, bị kiểm tra thì rất vô lý. Du lịch chỉ nên phân biệt giữa vùng an toàn và không an toàn, chứ không phân cách theo địa giới hành chính".
Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist bày tỏ trăn trở "làm sao để có một trung tâm thông tin giữa địa phương, doanh nghiệp với du khách được dễ dàng truy cập, vì chúng tôi luôn phải tìm kiếm, đi hỏi các nơi rất khó khăn và mất thời gian".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ VHTTDL đang khẩn trương xây dựng để trình ban hành các hướng dẫn về thích ứng an toàn, tạo cơ sở thống nhất trên toàn quốc theo tinh thần của Nghị quyết 128: "Chúng tôi sẽ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế xã hội ở địa phương và quốc gia".
Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ sản phẩm trong thời gian tới, vì đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến tình hình kinh tế mà cả tâm lý, sở thích, nguyện vọng của khách du lịch. “Việc dự báo xu hướng và đưa ra khuyến nghị cho các hiệp hội, doanh nghiệp là của cơ quan quản lý. Tuy nhiên việc sáng tạo ra các sản phẩm là ở doanh nghiệp, không ai làm thay cho doanh nghiệp vì đội ngũ này có chiều sâu, bề dày kinh nghiệm trong kết nối, xây dựng tour tuyến”.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình đánh giá cao Nghị quyết 128 của Chính phủ khi đề xuất rất cụ thể các biện pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên để hoạt động du lịch nội địa được thông suốt, điều quan trọng nhất là khâu thực thi phải có sự nghiêm túc, vì quyền lợi chung của cả cộng đồng. Ông Vũ Thế Bình cho rằng ngành du lịch cần đề xuất ra các địa bàn trọng điểm, xác định các điểm an toàn để tiêm vaccine đầy đủ cho người dân, người lao động tại khu vực này, sau đó mạnh dạn đón khách nội địa giữa các vùng xanh với nhau.
Theo VOV