Sản xuất, bảo quản nông sản đạt chuẩn xuất khẩu và tiếp cận thị trường là hai khó khăn lớn nhất mà nông sản Hải Dương gặp phải khi xuất khẩu...
Ông Jos Leeters, chuyên gia tư vấn quốc tế về xuất khẩu nông sản trao đổi với các doanh nghiệp
Hải Dương về kinh nghiệm xuất khẩu nông sản
Nhiều ý kiến, giải pháp giúp nông sản Hải Dương xuất khẩu thuận lợi đã được nêu tại Hội nghị Thông tin thị trường và hậu cần xuất khẩu cho quả vải và sản phẩm nông sản Hải Dương được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp tổ chức sáng 3.10 tại tỉnh ta.
Nhận diện khó khănSản xuất, bảo quản nông sản đạt chuẩn xuất khẩu và tiếp cận thị trường là hai khó khăn lớn nhất mà nông sản Hải Dương gặp phải khi xuất khẩu. Theo chị Nguyễn Thị Liêm ở thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà), vải thiều đặc sản nổi tiếng của Hải Dương nhưng thời gian thu hoạch lại ngắn. Nông dân chủ yếu bán tươi cho thương lái còn bảo quản ra sao, sơ chế thế nào giúp quả vải đẹp mã mà vẫn bảo đảm chất lượng xuất khẩu thì nông dân vẫn chưa làm được. Không chỉ riêng quả vải, nhiều loại nông sản khác của Hải Dương vẫn yếu ở khâu bảo quản sau thu hoạch. Nhiều loại rau, nhất là rau vụ đông mới chỉ dừng ở việc cấp đông nên chất lượng và thời gian bảo quản không được dài, nhiều khi không bảo đảm được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nông dân Hải Dương có kinh nghiệm trồng trọt nhưng kỹ năng bảo quản và sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt đa phần mới chỉ dừng lại ở VietGAP, còn tiêu chuẩn cao hơn GlobalGAP thì rất ít nơi thực hiện được. Do đó, nhiều loại nông sản của tỉnh chưa có đủ “giấy thông hành” để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, nhất là những thị trường khó tính.
"Ngoài yếu ở khâu bảo quản, nông dân, doanh nghiệp của Hải Dương vẫn thụ động trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu", ông Mai Thế Cường đến từ Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) là người có nhiều năm hỗ trợ doanh nghiệp Việt tìm thị trường xuất khẩu nông sản nói. Thị trường lớn, sản phẩm đa dạng nhưng quả vải Hải Dương vẫn thua Thái Lan. Nhiều loại nông sản thực phẩm tốt của Hải Dương như cà rốt, rau vụ đông xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc phải qua tên tuổi của một doanh nghiệp khác. Nguyên nhân do doanh nghiệp đó có ưu thế về bảo quản sản phẩm và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận thông tin thị trường ở ngoài nước do ít có điều kiện tham gia các kỳ hội chợ nông sản tầm quốc tế.
Tìm thị trường ngoài nướcVài năm trở lại đây, các doanh nghiệp chế biến nông sản Hải Dương đã chịu khó đi tìm hiểu thị trường ngoài nước để đưa nông sản Hải Dương vươn xa. Các hội chợ tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nhật Bản, Australia và mới đây là thị trường Nga, Ai Cập đã có một số doanh nghiệp Hải Dương tham gia. Đây là cách tốt nhất để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và có thể ký được các đơn hàng xuất khẩu nông sản mà không phải qua bất cứ một doanh nghiệp trung gian nào.
Ông Jos Leeters, chuyên gia tư vấn quốc tế về xuất khẩu nông sản (đang tham gia dự án hỗ trợ nông dân Việt Nam xuất khẩu nông sản do Cục Xúc tiến thương mại thực hiện) kể: “Tôi từng tham gia hội chợ Gulfood tại Dubai cùng với một doanh nghiệp Hải Dương. Khi đối tác đưa ra giá nhập là 60.000 đồng/kg vải thì anh này lắc đầu và cho rằng 60.000 đồng/kg chúng tôi hoàn toàn có thể bán được tại vườn. Anh bạn đó đâu biết rằng đây có thể là giá bán cao tại vườn còn có lúc vải thiều xuống giá thấp chỉ vài nghìn thì sao. Điều quan trọng hơn từ xuất khẩu vải, doanh nghiệp đó có thể tìm cơ hội xuất khẩu nhiều loại nông sản khác cho tỉnh”. Theo ông Jos Leeters, cái mà doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Hải Dương cần lúc này là xây dựng uy tín và khẳng định thương hiệu sản phẩm tại thị trường nước ngoài, trước khi đi quá sâu vào lợi nhuận vì đó chỉ là cái lợi trước mắt.
Nhiều đại biểu dự hội thảo cho rằng, việc áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào bảo quản nông sản sau thu hoạch rất cần thiết. Các địa phương cần học tập, trao đổi kinh nghiệm bảo quản, sơ chế nông sản của Thái Lan, Nhật Bản. Quan tâm chất lượng giống cây trồng, thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu chuẩn VietGAP hiện nay chỉ đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của một số nước. Việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của Hải Dương tại một số hội chợ quốc tế cần được thực hiện sớm, nhất là đối với quả vải cần được triển khai trước mùa thu hoạch từ 2-3 tháng.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định ngoài tiêu thụ nội địa, việc xuất khẩu nông sản có vai trò quan trọng, nhất là với Hải Dương, vựa nông sản lớn nhất, nhì khu vực phía Bắc. Mở rộng xuất khẩu không chỉ giúp Hải Dương tăng giá trị nông sản mà còn có thị trường tiêu thụ ổn định, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bấp bênh và rủi ro. Mỗi năm Hải Dương xuất khẩu khoảng 700.000 tấn nông sản. Để vượt được con số này, ngành công thương tỉnh cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp thông tin và tiếp cận các thị trường mới, giúp khai thác được thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
HẢI MINH