Đó là đánh giá của thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên). Phần lớn giáo viên đánh giá đề cơ bản, vừa sức nhưng 'chưa được hay'.
Trong khi đó, cũng không ít người thẳng thắn nhận định đề thi ngữ văn của Hà Nội 'cũ kỹ', 'thiếu sáng tạo', 'không dám đòi hỏi học sinh cao bằng các tỉnh, thành khác', 'lối cũ ta về', 'chưa phát huy được năng lực viết văn của học sinh'...
Cô Nguyễn Thị Minh Thủy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn của Trường Phổ thông liên cấp Olympia đánh giá, phần 1 của đề năm nay bám sát trọng tâm kiến thức cơ bản Tiếng Việt trong chương trình ngữ văn lớp 9 với các nội dung về cấu trúc đoạn văn (tổng - phân - hợp và phép liên kết - phép lặp, câu ghép) mà học sinh đã được học và luyện tập, thực hành nhiều trong quá trình học tập và ôn luyện.
Đề thi ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội được đánh giá 'cũ kỹ' |
Ngữ liệu lại được lấy từ chính văn bản bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu nên rất gần gũi và quen thuộc với học sinh. Do vậy, đề bài hoàn toàn không khó, vừa sức.
Hình ảnh “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” học sinh cũng dễ hiểu, dễ cảm nhận và gọi tên được những suy nghĩ, chia sẻ của mình về tình đồng chí, đồng đội của người lính cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp.
Phần 2, ngữ liệu đọc hiểu cũng là một đoạn văn bản nghị luận trích dẫn từ SGK ngữ văn lớp 9 tập 2 nên cũng rất gần gũi, không xa lạ với học sinh.
Hai câu hỏi của phần này đã có sự phân hoá cao về mức độ vận dụng thấp: “Theo em vì sao kẻ một vạch 1 USD, tìm chỗ kẻ vạch 9999 USD” và và vận dụng cao với học sinh khi yêu cầu các em chia sẻ về giá trị của tri thức, người có tri thức trong cuộc sống.
Câu chủ đề "Tri thức làm nên giá trị con người" mang tính định hướng và giúp cho học sinh, nhất là với học sinh lớp 9 lên 10 (tuổi đang phát triển, chuẩn bị bước vào cấp THPT để học chuyên ngành, phân luồng cho chọn nghề).
Thông qua đó, các em thấy được tầm quan trọng của việc học, sự chủ động và nhu cầu cầu học tập, thậm chí là khả năng tự học, chủ động chiếm lĩnh tri thức. Bởi lẽ, chỉ khi có tri thức, ta mới thấy cần thiết phải học hỏi, đọc sách, có tâm thế tốt với việc học nhằm đạt được những kiến thức nền cơ bản, sẵn sàng bước vào đời, làm nghề, phát triển bản thân, lao động, có ích cho xã hội và có thể phục vụ cộng đồng.
"Đề này phù hợp với đối tượng và lứa tuổi học sinh, phân hoá đối tượng học sinh ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, đề chưa được hay để thí sinh bộc lộ cá tính bản thân. Với đề này, học sinh trung bình sẽ làm được với mức độ khoảng 5 - 7 điểm" - cô Thủy đánh giá.
Thí sinh trong buổi thi đầu tiên |
Cô Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng nhận định đây là đề thi vừa sức, nội dung vào những phần kiến thức cơ bản các học sinh đã được học.
Tuy nhiên, nếu học sinh không xác định đúng yêu cầu của đề sẽ tập trung đi vào vai trò của tri thức, mà không làm nổi bật tri thức làm nên giá trị của con người.
Đánh giá chung, cô Dung cho rằng đây là đề thi phù hợp với khung thời gian 90 phút. Thí sinh học chắc kiến thức hoàn toàn có thể đạt mức điểm tốt.
Cô Nguyễn Thị Thùy Mia, giáo viên Trường THCS Cát Linh thì bày tỏ một chút băn khoăn về phần 2 của đề thi này. Theo cô Mia, khi chỉ còn vài ngày thì sở quyết định giảm thời gian thi, nhưng không hướng dẫn sẽ giảm tải ở nội dung nào trong đề cho phù hợp thời lượng 90 phút.
"Như những năm trước thi 120 phút, các câu hỏi trong đề thi được chia nhỏ để cho học sinh dễ lấy điểm. Với đề thi năm nay, Phần I đề cơ bản, dễ chịu. Phần II không có câu hỏi phát hiện. Câu 1 hỏi vừa phát hiện vừa tư duy nên học sinh hơi khó kiếm điểm. 90 phút với dung lượng đề như vậy là hơi ít thời gian, học sinh làm không kịp, vì 2 đoạn văn dài và nặng điểm" - cô Mia nhận định.
Với đề thi này, cô Mia cho rằng học sinh giỏi làm được khoảng 80-90%, học sinh khá khoảng 70% và học sinh trung bình làm được từ 50-60%.
Đề chuẩn xác nhưng khá bảo thủ
Đây là đánh giá của thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên).
"Theo tôi, mặc dù đề thi đạt được sự chuẩn xác nhưng cách hỏi khá cũ kỹ, quen thuộc, vẫn một “lối cũ ta về” như mọi năm mà không có gì mới mẻ, đột phá, sáng tạo để gợi sức nghĩ, sức viết cho học sinh.
Phần I, lấy một đoạn thơ trong bài “Đồng chí” của Chính Hữu làm ngữ liệu. Đây là một bài mà các em đã được học, được nghe giảng trong chương trình lớp 9. Câu hỏi đọc hiểu dành cho văn bản này là những câu hỏi thuộc về những kiến thức các em đã học, đã nghe giảng giờ trình bày lại nên tôi nghĩ sẽ khó có thể kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh. Yêu cầu viết dành cho văn bản này cũng được ra một cách cũ kỹ, sáo mòn, không có gì độc đáo.
Phần 2 cho một mẩu chuyện làm ngữ liệu, hỏi 2 câu, một câu đọc hiểu và một câu luận. Dù vấn đề đặt ra có ý nghĩa nhưng cách hỏi cũng cũ kỹ, khó có khả năng phát huy sức sáng tạo của học sinh".
Theo thầy Minh, nhìn chung "đề thi này đạt được sự chuẩn xác nhưng khá lạc hậu, bảo thủ so với các nơi".
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng đề thi vẫn có cấu trúc quen thuộc với 2 phần, 1 phần thơ kết hợp với nghị luận văn học và 1 phần văn xuôi kết hợp với nghị luận xã hội. "Đề thi khá cơ bản, không có câu hỏi khó, không có gì lắt léo. Đề an toàn nhưng thiếu tính đột phá" - thầy Đức Anh bình luận.
Còn thầy Võ Kim Bảo, giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, lại nhìn nhận hơi khác hơn. Thầy Bảo cho rằng hầu hết học sinh có thể đáp ứng được các yêu cầu của đề nhưng chưa hẳn là được điểm cao.
"Để đạt điểm cao, kiến thức của học sinh phải nắm rất chắc và kỹ năng làm bài cũng phải rất thành thục. Nhất là ở câu 1, chắc chắn giáo viên cũng cho học sinh luyện nhiều các dạng bài như vậy. Nhưng với lượng kiến thức lớn của chương trình Văn 9 chắc chắn nhiều em sẽ còn thiếu sót.
Câu 2 cũng không khó, vấn đề rất rõ ràng, không có ẩn ý. Vậy điều làm nên sự khác biệt ở câu 2 là tư duy phản biện của học sinh. Ngoài việc làm rõ vấn đề "Tri thức làm nên giá trị con người" thì học sinh muốn đạt điểm cao còn phải biết tự đặt cho mình câu hỏi: Ngoài tri thức con điều gì làm nên giá trị con người? Nói chung tôi thấy đề không khó nhưng có tính phân loại học sinh rõ ràng".
Theo Vietnamnet