Ngày 8.3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý thông tin đăng tải không chính xác về dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, để công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả, đúng yêu cầu, vừa bảo vệ sản xuất, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.
Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm những thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu phi và các biện pháp phòng chống dịch theo Chi thị 04/CT-TTg ngày 20.2.2019 của Thủ tướng Chỉnh phủ.
Trước đó, khi dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu lan rộng, đã có nhiều trang fanpage, trang Facebook cá nhân như: Đầm Bầu Thời Trang Mami; Trang Thao Mandy... đã đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt lợn vì có thể lây sang người.
Thậm chí, trang Facebook Trang Thao Mandy còn đưa hình ảnh có hai bệnh nhân bị xuất huyết dưới da và kêu gọi mọi người tẩy chay thịt lợn vì đã có người tử vong vì dịch tả lợn châu Phi.
Hình ảnh trên Facebook cá nhân có tên Trang Thao Mandy
Tuy nhiên, qua xác minh, hình ảnh đó là lấy lại từ nhiều báo điện tử, cụ thể đây là hình ảnh về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại Bình Phước vào tháng 11.2018; còn bệnh nhân xuất huyết dưới da là biểu hiện của bệnh liên cầu khuẩn do ăn thịt lợn sống; tiết canh. Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người.
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 7.3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 560 hộ, 210 thôn, 84 xã, 27 huyện của 10 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên và Thái Nguyên).
Theo Dân Việt