Đề nghị bổ sung trợ giúp viên pháp lý vào đối tượng bồi dưỡng kiến thức phòng chống bạo lực gia đình

15/06/2022 12:20

Chiều 14.6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) (sửa đổi). Cơ bản nhất trí với dự thảo luật, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương góp ý về 3 nội dung cần làm rõ.


Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn 

Về biện pháp phòng ngừa BLGĐ, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị làm rõ việc góp ý, phê bình người có hành vi BLGĐ trong cộng đồng, dân cư được quy định tại điều 23 dự thảo luật là thủ tục bắt buộc hay khuyến khích và có thực hiện với tất cả các vụ việc BLGĐ tại cộng đồng dân cư không. Theo đại biểu, việc này nên là hoạt động khuyến khích, thực hiện như hoạt động hòa giải vì nhiều trường hợp người gây BLGĐ đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang bị tạm giam thì không thể góp ý, phê bình. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc BLGĐ có tính chất nhạy cảm như bạo lực tình dục thì người bị bạo lực thậm chí còn chịu đựng và không tố giác vì nhiều lý do.

Về việc bảo vệ, hỗ trợ trong phòng chống BLGĐ, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn quan tâm đến quy định “người bị bạo lực, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu cấm tiếp xúc, trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu thì phải có sự đồng ý của người bị BLGĐ” tại điểm a khoản 1 điều 33 của dự thảo luật.

"Tôi cho rằng quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho việc ngăn chặn hậu quả của hành vi BLGĐ nghiêm trọng cũng như bảo vệ kịp thời người bị bạo lực bởi đã có rất nhiều trường hợp người gây bạo lực lại chính là người giám hộ, người đại diện hợp pháp của người bị bạo lực. Khi người bị BLGĐ không dám hoặc không thể lên tiếng, cơ quan tổ chức có thẩm quyền cũng không thể tiếp cận với người bị bạo lực để lấy ý kiến đồng ý của nạn nhân thì việc quy định UBND cấp xã khi ra quyết định cấm tiếp xúc lại phải có sự đồng ý của người bị BLGĐ là rất bất cập. Đặc biệt, khi vụ việc ở giai đoạn phát hiện, chưa có bất kỳ cá nhân, cơ quan nào can thiệp thì cấp xã là nơi gần nhất với người bị bạo lực. Thời gian cấm tiếp xúc tối đa chỉ là 3 ngày nhưng nếu áp dụng kịp thời sẽ vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn hậu quả, bảo vệ người bị BLGĐ", đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho biết.

Về điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng chống BLGĐ, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị bổ sung trợ giúp viên pháp lý vào đối tượng bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng phòng chống BLGĐ tại khoản 2 điều 49 dự thảo luật để bảo đảm nâng cao kỹ năng đặc thù của những người tham gia phòng chống BLGĐ.

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Đề nghị bổ sung trợ giúp viên pháp lý vào đối tượng bồi dưỡng kiến thức phòng chống bạo lực gia đình