Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi. Bài cuối: Chốt kiểm dịch có cũng như không

22/06/2019 15:24

Chốt kiểm dịch là phòng tuyến đầu tiên đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến với bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng ở một số nơi những chốt này gần như vô tác dụng...

Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi. Bài 2: Thiếu cơ sở giết mổ tập trung
Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi. Bài 1: Nhà nhà nuôi lợn


Nhiều nơi bố trí lực lượng tại các chốt kiểm dịch nhưng chỉ mang tính hình thức

Chốt kiểm dịch là phòng tuyến đầu tiên và hết sức quan trọng trong cuộc chiến với bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Nhưng thực tế khi dịch bệnh xảy ra, ở một số nơi do sự vào cuộc nửa vời của những người trực chốt làm cho các phòng tuyến gần như vô tác dụng.

Lập chốt cho có

Khi bệnh DTLCP xuất hiện, một trong những biện pháp quan trọng được cơ quan chức năng thực hiện ngay là thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời. Tại các vùng xuất hiện ổ dịch, chốt được lập ở các tuyến đường ra vào vùng dịch và bố trí lực lượng trực 24/24 giờ. Nhiệm vụ của chốt là ngăn không để người dân vận chuyển lợn, nhất là lợn và các sản phẩm của lợn ốm, lợn bệnh ra vào vùng dịch. Khi phát hiện xe chở lợn, người trực chốt phun thuốc khử trùng, tiêu độc. Với những xe chở lợn không có giấy kiểm dịch thì báo cho cơ quan chức năng để xem xét xử lý... 

Những ngày đầu có dịch, chúng tôi đã chứng kiến một số chốt lập ra để cho có. Chốt kiểm dịch ở xã Tân Hương (Ninh Giang) bố trí một công an viên trực. Hơn 12 giờ ngày 12.3, chúng tôi có mặt tại đây thì thấy thanh chắn của chốt được kéo lên cao, xe tự do qua lại. Theo lý giải của công an viên trực chốt, tuyến đường này có rất nhiều xe, nếu kéo xuống sẽ làm ùn tắc giao thông. Điều này đồng nghĩa với việc người trực sẽ không biết được xe nào có lợn để kiểm soát theo quy định.

Sau 9 ngày bị dịch, hơn 16 giờ ngày 12.3, chúng tôi trở lại xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) để nắm tình hình phòng chống dịch. Từ 4 chốt kiểm dịch ban đầu, xã đã xóa bỏ chỉ để lại 2 chốt. Tất cả các chốt kiểm dịch đều không có người túc trực. Sau khi điện thoại cho lãnh đạo xã Đại Đồng, chúng tôi mới thấy một công an viên xuất hiện. Dẫn chúng tôi đến chốt kiểm dịch ở ngoài khu chuyển đổi, nơi vừa có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh, người này cho biết do ở xa khu dân cư, lợn nhiễm bệnh đã được tiêu hủy và hết giờ làm việc nên không còn ai trực ở chốt. Sau đó chúng tôi còn trở lại nơi đây nhiều lần nhưng cũng không thấy người nào trực chốt.

Thực tế tại nhiều xã, do địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường ra vào các thôn, trong khi chốt chỉ được lập tại trục đường chính và lực lượng mỏng nên rất khó kiểm soát. Đa số trực ở các chốt là người trong làng, xã nên tại một số nơi khi có dịch, những người ở chốt cũng chỉ trực chiếu lệ. Thậm chí có nơi còn làm ngơ cho người trong thôn bán tháo lợn bị nhiễm dịch.

Khi phòng tuyến bị phá vỡ

Tham gia trực chốt ngay từ ngày đầu, anh Phạm Bá Kiên, Trưởng Công an xã Thái Thịnh (Kinh Môn) gặp nhiều trường hợp vận chuyển lợn không có giấy kiểm dịch vào xã. Theo anh Kiên, các xe chở lợn này hay đi vào buổi trưa hoặc đêm để tránh cơ quan chức năng phát hiện. Khi đến chốt kiểm dịch thường đi rất nhanh. Nếu không chốt chặn thường xuyên và tinh ý thì khó phát hiện được. “Khi thấy xe khả nghi, chúng tôi yêu cầu dừng xe và kiểm tra giấy kiểm dịch nhưng họ không xuất trình được. Chúng tôi gọi báo cho cơ quan chức năng thì phụ xe ôm chặt người trực chốt để cho xe chạy”, anh Kiên kể. 

Chỉ sau 1,5 tháng, khi dịch bệnh đã lan rộng thì đa phần các địa phương thu chốt về, chỉ để ở một số khu vực giáp ranh các tỉnh khác. Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Việc duy trì hoạt động của chốt rất tốn kém bởi phải chi trả công cho những người trực. Các xã, thị trấn phải chủ động nguồn này nên nhiều nơi ngân sách hạn hẹp không cáng đáng nổi. Khi dịch lan rộng, lợn chết nhiều, các địa phương phải huy động các lực lượng phục vụ tiêu hủy nên không có người túc trực tại chốt".

Để người nuôi lợn có thể chống chọi được với các loại dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh mới xuất hiện, cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra những quy định chặt chẽ để các chốt hoạt động hiệu quả. Ngoài trả lương nên có cơ chế thưởng cho những người phát hiện việc vận chuyển lợn không đúng quy định. 

Đối với những địa phương thực hiện không nghiêm các quy định, ngoài việc xử lý trực tiếp người tham gia trực chốt cần truy trách nhiệm đội ngũ lãnh đạo xã. Các cấp cần quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí cho đội ngũ này. Với chốt ở những tuyến đường chính, lượng người, xe qua lại lớn cần bổ sung thêm lực lượng công an giao thông để thuận tiện cho việc dừng xe, kiểm tra, kiểm soát. Việc tiêu độc, khử trùng ở các chốt kiểm dịch cần được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc hơn. Nên phun thuốc vào tất cả các xe ra, vào vùng dịch để tăng khả năng tiêu diệt mầm bệnh chứ không chỉ phun vào xe chuyên chở lợn. Thực hiện tốt các giải pháp trên, việc lập chốt kiểm dịch mới phát huy hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

NHÓM PHÓNG VIÊN PHÒNG KINH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi. Bài cuối: Chốt kiểm dịch có cũng như không