Hiện nay nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh không mặn mà với việc tái đàn sau Tết do giá cả bấp bênh và lo ngại dịch bệnh.
Nhiều hộ chưa thể tái đàn do vẫn còn tồn gà đến thời kỳ xuất bán
Sau Tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi thường tập trung vệ sinh chuồng trại, mua con giống để tái đàn. Tuy nhiên năm nay, nhiều hộ chỉ dám tái đàn cầm chừng, thậm chí bỏ trống chuồng do giá cả bấp bênh và lo ngại dịch bệnh.
Lo dịch
Do dịch bệnh bùng phát nên năm nay gia đình anh Điệp Văn Quý ở thôn Chín Hạ, xã Bắc An (Chí Linh) phải bỏ trống chuồng trại, tập trung khử khuẩn, vệ sinh vườn đồi. Nguyên nhân do đầu tháng 1 vừa qua, hơn 2.000 con gà của gia đình anh phải đem đi tiêu hủy vì dịch cúm gia cầm H5N6. “Tôi vẫn phải đợi chuồng trại đủ thời gian khử khuẩn sạch sẽ mới tính đến chuyện tái đàn. Hơn nữa, lứa vừa rồi, tôi bị lỗ gần 200 triệu đồng nên cũng không còn vốn”, anh Quý cho biết.
Mặc dù chăn nuôi ổn định, đàn gà phát triển tốt song thời điểm này nhiều hộ nuôi vẫn chưa thể tái đàn do vẫn còn gà đến tuổi xuất bán. Ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gà đồi Chí Linh cho biết hiện các hội viên trong hiệp hội vẫn còn khoảng 200.000 con gà đến thời kỳ xuất bán, chưa tính các hộ nuôi ngoài. Với giá bán từ 49.000-51.000 đồng/kg như hiện nay thì người chăn nuôi vẫn chưa có lãi, thậm chí là lỗ nếu để hao hụt trong quá trình nuôi. Hơn nữa Chí Linh vừa xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 nên nhiều hộ nuôi vẫn khá dè chừng khi tái đàn.
Không chỉ các hộ chăn nuôi gia cầm, nhiều hộ nuôi lợn trong tỉnh cũng không mặn mà với việc tái đàn sau Tết dù giá lợn hơi ổn định hơn. Mặc dù đã hết giãn cách xã hội gần 2 tuần nay nhưng ông Nguyễn Văn Lập, chủ trang trại ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) vẫn chưa xuất hết lợn trong chuồng để tái đàn mới. Ông Lập cho biết: “Đợt dịch Covid-19 vừa qua lợn khó xuất bán nên tôi phải nuôi cố thành ra trọng lượng nặng hơn làm thương lái ngại mua. Hiện trong chuồng vẫn tồn gần 100 con. Xuất hết lứa này tôi mới có đủ tiền để tiếp tục tái đàn”.
Hiện nay, giá thức ăn và con giống liên tục tăng cao, dịch tả lợn châu Phi cũng chưa có vaccine phòng và điều trị, trong khi đó đầu ra lại phụ thuộc vào thị trường làm nhiều hộ nuôi có tâm lý e ngại khi tái đàn. Chưa kể, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nếu không tính toán cẩn trọng, người chăn nuôi rất dễ bị thua lỗ. Do đó, thay vì nhập thêm con giống, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi lợn nái sinh sản hoặc tập trung vào khâu phòng trừ bệnh cho vật nuôi.
Giá thức ăn chăn nuôi và con giống tăng cao làm người nuôi găp nhiều khó khăn
Chi phí tăng cao
Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi vẫn ở mức thấp khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Khảo sát tại một số đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi trong tỉnh cho thấy giá cám gà đang ở mức từ 290.000 - 320.000 đồng/ bao; thức ăn cho lợn con từ 400.000 - 450.000 đồng/bao; lợn thịt từ 280.000 - 330.000 đồng/bao (loại 25 kg)... Tất cả các loại trên đều tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/bao.
Không chỉ giá thức ăn chăn nuôi tăng mà giá con giống cũng đang “sốt” từng ngày làm người nuôi càng thêm đắn đo khi tái đàn. Điển hình như lợn giống vẫn đang dùy trì ở mức 2,8 - 3 triệu đồng/con, trong khi giá lợn hơi hiện chỉ còn 75.000 đồng/kg, giảm 5.000/kg so với tháng trước. Ông Vũ Văn Toàn ở thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) cho biết trong số các loại gia cầm thì giá gà giống vẫn giữ ổn định là 5.500 đồng/con. Còn các loại khác như vịt, ngan đều ở mức khá cao từ 11.000 - 18.000 đồng/con. “Dịch Covid-19 bùng phát làm các loại gia cầm giống khó tiêu thụ nên nhiều hộ phải phá đàn bố mẹ để giảm chi phí phát sinh. Cũng vì nguyên nhân này nên hiện nay lượng con giống không có nhiều khiến giá tăng cao. Mỗi ngày gia đình tôi chỉ có khoảng 2.000 con gia cầm giống các loại để xuất ra thị trường”, ông Toàn cho biết.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết năm nay việc tái đàn ở các hộ chăn nuôi chỉ đạt khoảng 70% so với năm ngoái. Nguyên nhân do giá gia cầm thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi và giá con giống ở mức khá cao khiến người nuôi dè dặt. Trước thực trạng này, chi cục đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bám sát cơ sở, khuyến cáo người dân duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm đủ nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu tái đàn khi thị trường ổn định trở lại. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi nên tái đàn với số lượng phù hợp với điều kiện kinh tế, đặc biệt không chủ quan với các loại dịch bệnh để bảo toàn tốt nhất đàn vật nuôi.
ĐỖ QUYẾT