Giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn dạy môn tích hợp

Theo VnExpress 24/10/2023 15:45

Các môn tích hợp được triển khai theo kiểu giáo viên môn nào dạy môn đó, thay vì chỉ cần một người đảm nhiệm, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 24/10 phát đi văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong việc dạy môn Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Lý, Hóa, Sinh), Lịch sử và Địa lý.

Cụ thể, môn Khoa học tự nhiên có bốn mạch nội dung xuyên suốt, gồm: Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái đất và bầu trời. Bộ đề nghị các trường phân công giáo viên giảng dạy có chuyên môn phù hợp với nội dung, theo mạch chương trình. Thầy cô chủ trì môn học ở mỗi lớp sẽ phối hợp với các giáo viên khác để kiểm tra, đánh giá và thống nhất điểm số của học sinh. Bộ cho rằng việc để giáo viên dạy từ hai mạch nội dung trở lên hoặc toàn bộ môn phải thực hiện từng bước.

Bộ lưu ý các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo mạch nội dung, linh hoạt để xếp thời khóa biểu một cách khoa học, đảm bảo tính sư phạm và khả năng thực hiện của thầy cô.

Với môn Lịch sử và Địa lý, các trường có thể bố trí dạy hai phân môn đồng thời. Việc kiểm tra, đánh giá cũng theo từng phân môn.

Học sinh trường THCS Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM đến trường hôm 20/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Học sinh Trường THCS Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh

Thực tế, hướng dẫn này của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cách mà nhiều trường học đã áp dụng - tức dạy môn tích hợp nhưng theo kiểu giáo viên môn nào dạy riêng môn đó. Ví dụ, môn Khoa học tự nhiên sẽ cùng do giáo viên Hóa, Lý, Sinh giảng dạy, thay vì chỉ cần một giáo viên duy nhất đảm nhiệm. Việc ra đề kiểm tra, chấm điểm cho học sinh cũng do các giáo viên thỏa thuận, phân chia nhau.

Điều này nảy sinh do hiện hầu như chưa có giáo viên được đào tạo bài bản về dạy tích hợp, giáo viên chủ yếu dạy đơn môn. Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình bồi dưỡng cho giáo viên dạy tích hợp, thời lượng 20-36 tín chỉ. Trong khoảng 6 tháng, một giáo viên Lịch sử được bồi dưỡng để dạy thêm môn Địa lý, các môn khác cũng tương tự. Tuy nhiên, theo các nhà trường, rất khó để một giáo viên tự tin đứng lớp dạy tích hợp chỉ sau thời gian ngắn như vậy.

Hiện nhiều trường bố trí giáo viên dạy đan xen, tức đến bài của ai thì người đó dạy. Cũng có trường để giáo viên dạy lần lượt từng môn, chẳng hạn dạy hết môn Lý rồi đến môn Hóa, môn Sinh nên thời khóa biểu bị đảo lộn, có giáo viên một tuần dạy vài chục tiết nhưng có tuần lại thiếu tiết.

Nhiều người lo lắng việc này có thể không đảm bảo chất lượng dạy và học. Bởi mục tiêu của môn tích hợp là giúp học sinh có cái nhìn toàn diện, kết hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, tiết kiệm thời gian trải nghiệm, nhưng thực tế lại giống như môn ghép từ các môn học cũ.

Giữa tháng 8, khi gặp gỡ với giáo viên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận việc dạy tích hợp là một trong những điểm nghẽn và khó khăn nhất khi triển khai chương trình mới, và có thể được điều chỉnh.

Khi đó, nhiều giáo viên, nhà quản lý đề xuất tách các môn này về thành đơn môn như cũ.

Tuy nhiên, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, trưởng Ban nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng rất đáng tiếc nếu môn tích hợp bị tách về từng đơn môn, bởi dạy tích hợp là chủ trương đúng, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực như mục tiêu của chương trình mới. Theo bà, các trường nên được tự chủ việc này. Trường nào làm tốt thì khuyến khích tiếp tục, nơi khó khăn cần được hỗ trợ.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn dạy môn tích hợp