Trước việc thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn, ngành thuế đang áp dụng nhiều biện pháp tăng tối đa mức thu...
Nhân viên bộ phận “một cửa” của Cục Thuế tỉnh hướng dẫn người dân các thủ tục khai nộp thuế
Từ đầu năm đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.666 tỷ đồng, bằng 59,1% dự toán năm, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, tổng thu nội địa đạt 3.000 tỷ đồng, bằng 56,6% dự toán năm, giảm 20,4%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 666,2 tỷ đồng, bằng 74% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, một số khu vực vẫn có số thu đạt khá như: khu vực doanh nghiệp trung ương đạt 527 tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán, tăng 4,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp địa phương đạt 41,4 tỷ đồng, bằng 86,2% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2011... Tuy nhiên, những khoản thu đạt trên 80% dự toán chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu NSNN, không có tác động lớn tới tổng thu.
Bà Phạm Thị Mai, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, những khu vực có tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN đều đạt thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch thu ngân sách năm 2012. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới đạt 753 tỷ đồng, bằng 39,6% dự toán, giảm 42,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụt giảm của Công ty TNHH Ford Việt Nam. 9 tháng đầu năm nay, công ty mới tiêu thụ được 2.662 xe, bằng 34,5% kế hoạch (7.700 xe), nộp ngân sách 477 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch (1.664 tỷ đồng). Khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng có số thu thấp khi 9 tháng đầu năm mới đạt 610,1 tỷ đồng, bằng 50,8% dự toán, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân các khu vực này có số thu đạt thấp là do kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, tác động xấu đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh. Chủ trương thắt chặt tín dụng kéo dài khiến thị trường nhà đất đóng băng, ảnh hưởng lớn tới sức mua của người dân, lượng hàng tồn kho nhiều... Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa lâm vào tình trạng phá sản, giải thể, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, dẫn tới tình trạng nợ đọng thuế gia tăng, ảnh hưởng rất lớn tới tổng thu ngân sách của tỉnh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ với nhiều biện pháp tích cực trợ giúp các doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới thu ngân sách. Đến thời điểm hiện tại, có 1.681 doanh nghiệp được gia hạn thuế giá trị gia tăng các tháng 4, 5, 6 với tổng số tiền 142,3 tỷ đồng; 1.044 doanh nghiệp được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2011 sang năm 2013 với số tiền 73 tỷ đồng; 192 doanh nghiệp được gia hạn 9 tháng đối với thuế TNDN từ 2011 trở về trước (chưa nộp) trên 7,5 tỷ đồng; giảm 30% thuế TNDN năm 2012 cho trên 1.500 doanh nghiệp với số tiền trên 47 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn được giảm tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 từ tiền lương, tiền công và kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 với số tiền trên 12 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, dự kiến tổng thu NSNN trên địa bàn cả năm đạt khoảng 5.200 tỷ đồng, bằng 83,9% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 4.300 tỷ đồng, hụt khoảng 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch thu thường xuyên; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 900 tỷ đồng, bằng 100% dự toán, giảm 0,8% so với cùng kỳ. Như vậy, tổng thu NSNN sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu HĐND tỉnh đã giao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chính sách điều hành ngân sách của tỉnh.
Trước những khó khăn trong thu ngân sách những tháng đầu năm, bà Phạm Thị Mai, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, từ nay đến cuối năm thời gian không còn dài, để thu ngân sách đạt mức cao nhất có thể, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng thu, giảm khả năng mất cân đối ở mức thấp nhất. Cục Thuế tỉnh và các Chi cục Thuế huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý thuế, rà soát nguồn thu, đánh giá sát khả năng thu ngân sách, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp trọng điểm như: Công ty TNHH Ford Việt Nam, Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty Xi-măng Phúc Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại... Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tập trung khai thác triệt để các nguồn thu tại các khu vực khác như: khu vực doanh nghiệp Trung ương, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, phí và lệ phí, khu vực ngoài quốc doanh ở các huyện để bù đắp hụt thu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài quốc doanh. Động viên các doanh nghiệp đã nộp tiền thuê đất hằng năm chuyển sang nộp 1 lần. Thực hiện kiểm tra, tính toán cụ thể đến từng doanh nghiệp, số tiền từng loại thuế được giãn, giảm, miễn nộp theo Nghị quyết số 13 của Chính phủ. Bên cạnh đó, ngành thuế thường xuyên đối chiếu, kiểm tra số dư các tài khoản tạm thu, tạm giữ của đơn vị, nếu đủ điều kiện thì nộp kịp thời vào ngân sách.
Đặc biệt, ngành thuế cùng các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn lậu thuế, thực hiện thu triệt để các khoản nợ đọng nộp ngân sách, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng thêm nguồn thu cho NSNN.
Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc đấu thầu, thanh lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước không có nhu cầu sử dụng để bổ sung nguồn thu. Đồng thời, tập trung rà soát các khoản thu, bảo đảm không được hụt thu ngân sách cấp huyện, xã. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực thuế, tập trung vào 2 luật thuế mới là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế bảo vệ môi trường, cũng như những chính sách mới về giãn, giảm, miễn thuế của Chính phủ. Kho bạc Nhà nước tăng cường đối chiếu, kiểm tra số dư các tài khoản tạm thu, tạm giữ của đơn vị, nếu đủ điều kiện nộp kịp thời vào NSNN.
VỊ THỦY