Sự bất đồng quan điểm về dạy con cháu giữa các thế hệ đôi khi cũng gây nên căng thẳng trong gia đình.
Tham gia các câu lạc bộ của phụ nữ giúp các chị em có thêm kỹ năng xử lý tình huống trong gia đình
Sống trong gia đình nhiều thế hệ, trẻ sẽ có cơ hội được giao tiếp, cảm nhận tình cảm của các thành viên. Tuy nhiên, sự bất đồng quan điểm về dạy con cháu giữa các thế hệ đôi khi cũng gây nên căng thẳng trong gia đình.
Mỗi người một phách
Chị Nguyễn Thị Lý ở phố An Thái (TP Hải Dương) nhiều lúc cảm thấy mình bất lực trong việc dạy con. Dù mới 5 tuổi mà cậu bé này đã biết mang ông bà ra để dọa mỗi khi bị mẹ mắng.
Lúc con giành đồ chơi với bạn, chị Lý nhắc nhở con nhưng thay vì nghe lời mẹ, cậu con trai liền tỏ thái độ và nói rằng “ông bảo con thích thì cứ lấy không phải xin phép ai”. Chị Lý vẫn tiếp tục kiên nhẫn phân tích để con hiểu rằng việc làm của con là sai.
Ngay lập tức con trai chị khóc nức nở và kèm theo câu nói “con về mách ông nội”. Và mỗi khi bố chồng chị Lý thấy cháu khóc, không cần hiểu lý do ông luôn dỗ cháu bằng câu “Ai đánh con để ông xử lý, thứ láo toét dám mắng cháu ông” rồi bế cháu đi mất.
Không kém phần căng thẳng, vợ chồng chị Vũ Ngọc Mai ở khu 3, thị trấn Thanh Miện cũng rơi vào tình cảnh không thể dạy con vì ông bà nội can thiệp quá sâu. Vợ chồng chị Mai thống nhất với nhau trong dạy con là vừa nghiêm khắc, vừa chia sẻ để giúp con đang ở độ tuổi nhạy cảm có những suy nghĩ, hành động đúng đắn.
Chị Mai không cho con quá nhiều tiền tiêu vặt để con biết quý đồng tiền, không tiêu xài linh tinh. Nhưng ngược lại, ông bà nội lại hay dấm dúi cho cháu tiền vì sợ cháu thiếu thốn, không bằng bạn bè.
“Bố mẹ chồng tôi luôn nghĩ ai hư chứ cháu mình không thể hư được nên bố mẹ không cần phải quản lý chặt”, chị Mai nói. Bố mẹ chồng chị thậm chí còn hùa theo cháu nói dối việc cháu bỏ học thêm để đi chơi. Khi trách phạt con, ông bà lại bênh cháu và tỏ thái độ không hài lòng với các con.
Bà Nguyễn Thị Đạt ở phố Lý Thánh Tông (TP Hải Dương) cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình cách dạy cháu nội của vợ chồng con trai. Cháu nội bà Đạt đang học lớp 8, thành tích học tập khá tốt.
Vì luôn kỳ vọng con trở thành người tài giỏi nên nhiều lúc con trai và con dâu bà Đạt đặt gánh nặng quá lớn lên con. “Tôi thấy lịch học thêm của cháu mà chóng cả mặt, nay nhà cô giáo, mai học trung tâm.
Chưa yên tâm, mẹ cháu còn lên mạng tải đủ thứ về bắt thằng bé học. Nhiều lúc thấy cháu mệt mỏi, mình góp ý thì vợ chồng nó bảo tôi lạc hậu, nếu không học không làm được trò trống gì… Thương cháu mà không biết làm thế nào”, bà Đạt buồn rầu nói.
Tìm tiếng nói chung
Theo chị Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Phụ nữ tỉnh), chuyện giữa các thế hệ trong gia đình căng thẳng về việc dạy dỗ con cháu không phải là hiếm.
Yêu chiều cháu là đặc điểm chung của các ông bà thời nay, nhưng các bậc cha mẹ cũng phải giúp ông bà hiểu rõ yêu chiều như thế nào cho đúng và đủ. Trước hết, bố mẹ phải đặt ra quy tắc trong việc dạy con và ngay cả ông bà cũng phải tôn trọng những quy tắc ấy.
Bố mẹ cũng cần nói chuyện thẳng thắn với ông bà, phân tích trên cơ sở những lợi ích mang lại cho trẻ để giữa 2 thế hệ thống nhất cách dạy dỗ. Các ông bố, bà mẹ không nên tranh cãi với ông bà về cách dạy con trước mặt con trẻ, như vậy trẻ sẽ học tính xấu nhiều hơn.
Bố mẹ cũng không nên nhún nhường khi thấy ông bà vi phạm quy tắc dạy dỗ con, cần tỏ rõ thái độ kiên quyết với con để trẻ không còn tư tưởng được ông bà bảo vệ…
Hội Phụ nữ các cấp đã thành lập nhiều mô hình câu lạc bộ như "Mẹ chồng nàng dâu", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "Mẹ và con gái"... để giúp các chị em có thêm kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống trong gia đình. Từ việc dạy con đến tìm tiếng nói chung giữa các thế hệ đều được các câu lạc bộ hướng dẫn tới các chị em.
Hiểu việc dạy con không dễ nên bà Nguyễn Thị An ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) cũng không can thiệp nhiều vào việc hai vợ chồng con trai dạy cháu. Hai cô cháu gái ở với bà nhiều hơn ở với mẹ, nhưng bà An luôn coi trọng các nguyên tắc dạy con của con dâu. “Thương cháu mình càng phải giúp bố mẹ nó dạy bảo cho tốt.
Con nó cứ để nó dạy, khi đúng thì được khen, lúc làm sai phải chịu phạt, tránh lần sau tái phạm. Nhiều khi nhìn hai đứa trẻ bị mẹ phạt đau cũng xót cháu nhưng không được can ngăn. Nếu bênh vực, bọn trẻ sẽ biết lần sau cậy ông bà, bố mẹ không dạy được thì hỏng hết”, bà An chia sẻ kinh nghiệm.
Còn với chị Vũ Thị Khánh Ly ở phố Hồng Châu (TP Hải Dương), ngoài đặt ra quy tắc, chị cũng thường xuyên chia sẻ cách dạy con với mẹ chồng để tìm được sự ủng hộ. “Bố mẹ chồng tôi khá hiện đại nên ông bà gần như tôn trọng các quy tắc dạy con của vợ chồng tôi.
Khi bố mẹ đã trách phạt con thì ông bà thường “vào phe” với vợ chồng tôi, phân tích thêm để con hiểu lỗi sai của mình. Vì thế, hai đứa nhỏ nhà tôi không có khái niệm tìm “đồng minh” mỗi khi bị bố mẹ mắng", chị Ly vui vẻ nói.
Mục tiêu chung của các gia đình đều mong muốn con cháu ngoan ngoãn, sống có hiếu đạo và trở thành người có ích. Vì thế, giữa các thế hệ cần tìm tiếng nói chung trong việc dạy con cháu để có thể hiểu và chia sẻ cùng nhau, giúp tình cảm gia đình thêm gắn bó, bền chặt.
THANH HOA