Khoác “áo” nông thôn mới nhưng nhiều địa phương của Hải Dương vẫn giữ những nét đẹp truyền thống của làng quê xưa. Cổng làng, giếng nước, mái đình… vẫn hiện diện thân quen ở làng nông thôn mới.
Cổng làng
Cổng “làng tiến sĩ” Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang)
Ở mỗi vùng quê Việt Nam, cổng làng thân thiết, gắn bó với bao người. Cổng làng là điểm đầu tiên khi ta đặt chân đến làng, là ranh giới giữa các làng với nhau. Cổng làng từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của mỗi làng quê.
Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, mặc dù kiến trúc cổng làng xưa được xây dựng ở mỗi nơi một khác nhưng đều có mục đích chính là bảo vệ dân làng khỏi giặc dã, trộm cướp. Cổng làng xưa như một thành trì, đa phần được bố trí gồm 3 cửa. Cửa chính diện to và cao, cửa phụ 2 bên nhỏ và thấp. Các cổng đều có cánh đóng mở, phía trên có chòi để người canh gác. Dọc hai bên cánh gà cổng có các đường hào phía trước, rồi đắp luỹ đất và trồng tre. Những vùng thường hay có trộm cướp ban đêm thì dưới hào còn cài cả chông để ngăn chặn. Làng mạc của Việt Nam xưa được bố trí khá cẩn mật và có phòng bị bên trong nên khi giặc Pháp sang xâm lược nước ta họ dè chừng mỗi khi vào làng, nhất là việc đột nhập vào ban đêm.
Cổng làng ngày nay có nhiều nét khác xưa. Cổng được nhiều địa phương đầu tư xây dựng quy mô lớn, đa phần to và rộng hơn để thuận tiện cho người dân đi lại. Màu sơn, chất liệu để xây dựng cổng cũng đa dạng không chỉ bằng gạch mộc, đá xanh, màu rêu, màu đá như xưa mà còn được đắp bê tông và sơn nhiều màu với nhiều họa tiết phù hợp từng không gian làng quê. Cổng còn được treo đèn trang trí vào ban đêm hoặc những ngày lễ, Tết. Phía sau mỗi cổng làng cũng không còn phải đào hào hay cử người canh gác như xưa nữa mà là những con đường trải bê tông thênh thang đi vào các ngõ, xóm.
Tiêu biểu như ở “Làng tiến sĩ” Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) tuy không còn giữ được 4 cổng làng ở 4 phương đông, tây, nam, bắc như thời trước nhưng cổng làng mới xây từ năm 2006 vẫn được địa phương lấy lại gần như nguyên vẹn kiến trúc của cổng làng xưa. Cổng làng Mộ Trạch xưa - "lò tiến sĩ" xứ Đông từng chứng kiến biết bao lần các sĩ tử lên kinh thi thố tài năng, rồi vinh quy bái tổ về làng thì nay cổng làng lại là minh chứng cho sự đổi thay của quê hương. Cổng làng được xây dựng to đẹp, thuận tiện cho người dân đi lại, giao thương.
Cho đến nay, chưa có một thống kê cụ thể nào về số lượng cổng làng trong tỉnh nhưng hầu hết các làng, dù to hay nhỏ đều có cổng làng. Thậm chí có làng còn hai cổng. Đến nhiều vùng quê của Hải Dương hôm nay nhiều người vẫn thấy được nét đẹp đặc sắc của các cổng làng như ở Phù Tinh, xã Trường Thành (Thanh Hà); Bằng Giã, xã Tân Việt hay Châu Khê, xã Thúc Kháng (đều ở huyện Bình Giang); Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng)…
Mái đình
Đình Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) được khởi dựng từ cuối thế kỷ 17, có kiến trúc và các họa tiết điêu khắc đậm chất dân gian
Với người Việt, đình là nơi linh thiêng. Đình thường là nơi thờ cúng Thành hoàng làng; nơi các chức sắc họp bàn việc làng, tổ chức cúng tế trong những kỳ lễ hội. Đình làng luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Ở mỗi làng quê, đình cũng là một trong những công trình kiến trúc đặc sắc. Theo thống kê của Phòng Bảo tồn di tích (Bảo tàng tỉnh), toàn tỉnh còn hàng trăm ngôi đình vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ. Trong đó có hơn 100 ngôi đình là di tích quốc gia, trở thành niềm tự hào của văn hóa xứ Đông.
Trong cộng đồng làng xã Việt Nam nói chung, những ngôi đình luôn là niềm tự hào của người dân mỗi khi nghĩ về quê hương. Nhiều người dù có đi làm ăn xa nhưng cứ tới dịp lễ hội, ngày Tết, Thanh minh làng lại cố gắng thu xếp để trở về tụ họp. Về với đình làng như được trở về với cội nguồn của quê cha đất tổ. Đình còn là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân nông thôn. Sân đình là nơi những làn điệu chèo ngân nga, réo rắt, nơi mỗi dịp xuân về tiếng trống hội, những trò chơi, sới vật mùa xuân rộn ràng mời gọi, níu chân người đi xa.
Xứ Đông là một trong những nơi còn nhiều ngôi đình đẹp nổi tiếng ở khu vực phía Bắc, có tuổi đời hàng trăm năm. Đình Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) được biết đến với kiến trúc hoành tráng, các họa tiết điêu khắc đậm chất dân gian, mô tả cảnh đời sống sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đình Huề Trì, phường An Phụ (Kinh Môn) độc đáo với kiểu dáng hình vuông. Đình Nhân Lý (thị trấn Nam Sách) có lối kiến trúc được xếp vào loại điển hình của thế kỷ XVII còn đến ngày nay; kiến trúc đình này là chuẩn mực của nghệ thuật chạm khắc truyền thống…
Ngày nay, đình làng vẫn luôn là ngôi nhà chung, nơi gìn giữ, trao truyền những nét văn hóa của người dân bản địa. Bởi vậy dù cuộc sống có phát triển, hiện đại hơn thì mái đình ở mỗi làng quê vẫn luôn là nơi gắn kết cộng đồng làng xã.
Giếng nước
Giếng Ông, giếng Bà ở xã Gia Khánh (Gia Lộc) vẫn luôn được người dân gìn giữ
Cùng với cây đa, mái đình, giếng làng từ lâu trở thành linh hồn của mỗi vùng quê để không chỉ người đi xa mà ngay cả người ở làng cũng luôn yêu thương, gắn bó. Ở nhiều vùng nông thôn mới xứ Đông ngày nay vẫn luôn gìn giữ giếng làng cẩn thận như báu vật.
Theo quan niệm dân gian, giếng nước tượng trưng cho sự dồi dào, sức sống của dân làng. Ở các làng quê, giếng làng là nơi sinh hoạt cộng đồng. Người dân đến giếng làng hóng mát, bàn chuyện quê hương. Người dân còn gắn cho giếng làng những câu chuyện, truyền thuyết, huyền thoại, thậm chí cả sự tôn kính thể hiện nét văn hóa tâm linh của cộng đồng như giếng Ông, giếng Bà ở xã Gia Khánh (Gia Lộc), giếng Tiên ở xã Tân Hồng (Bình Giang), giếng cổ ở xã Ngọc Quyết (Cẩm Giàng)…
Ngày xưa, chưa có giếng khoan và nước máy chưa được đưa đến từng nhà thì giếng làng là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thôn quê. Mỗi dịp Tết đến, xuân sang, làn nước trong mát ở giếng làng được người dân múc về để luộc bánh chưng, luộc gà, đun nước rửa mặt ngày mùng 1 Tết, cắm hoa…
Cuộc sống ở làng quê giờ đây đã có nhiều đổi thay, người dân không còn sử dụng nước giếng làng cho sinh hoạt hằng ngày nhưng ở nhiều nơi sự hiện diện của giếng làng như một nét đẹp của quê hương, gắn với kỷ niệm của nhiều thế hệ. Giếng làng cũng trở thành biểu tượng văn hóa của mỗi làng quê.
Quán
Tại thôn La A, thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) có một ngôi quán tên là Tú La, nơi gắn liền với sự kiện "đòn gánh đánh Tây" thời chống Pháp. Khi đặt chân đến không gian quán, chúng ta sẽ phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sự yên bình của vùng quê nơi đây
Nhắc đến không gian xưa của làng quê Việt Nam, chắc hẳn trong chúng ta sẽ nghĩ đến ngay những ngôi đình, chùa gắn liền với hình ảnh cây đa, giếng nước hết sức thân quen, nhưng có một không gian ít người biết đến đó là những ngôi nhà được xây dựng ngoài đồng, đầu làng để bà con tránh mưa nắng, được gọi là quán. Tên quán thường được đặt tên theo địa danh của địa phương. Quán hay được xây theo phong cách nhà xưa của đồng bằng Bắc Bộ kiểu 3-5 gian, cột được làm bằng đá, mái lợp ngói, đầu hồi được xây bít bằng gạch, còn hai mặt chính để trống, kết cấu vì kèo đơn giản.
Từ giữa thập niên 1960 trở đi, đồng ruộng các làng xã được quy hoạch và cải tạo thành hệ thống bờ vùng, bờ thửa, đường nội đồng và liên đồng, liên thôn, liên xã hoàn chỉnh, người nông dân không còn phải đi làm xa, không phải mang cơm theo để ăn trưa tại các quán, nên các quán này mất dần chức năng vốn có, nhiều quán không được tu bổ, xuống cấp hoặc phá bỏ phục vụ quy hoạch đồng ruộng. Đặc biệt, từ giữa thập niên 1990, nhiều khâu kỹ thuật mới trong nghề trồng lúa (như cày bừa máy, gặt máy…) đã giảm tối đa lao động nặng nhọc. Xe đạp, xe máy, cả xe công nông giúp cho người nông dân không còn mất nhiều thì giờ đi lại từ nhà ra đồng, làm cho các quán còn sót lại qua thời kỳ hợp tác hóa, cải tạo đồng ruộng không còn tác dụng, giá trị như trước. Bởi vậy, rất nhiều làng không còn ngôi quán nào trên đồng. Những ngôi quán giờ đây chỉ còn trong ký ức của những người trên 80 tuổi từng nghỉ ngơi, ăn trưa tại đó mỗi khi đi làm ở những cánh đồng xa nhà.
Quán còn trong ký ức những người đang ở tuổi trên dưới 70, vào đầu thập niên 1960 còn là những đứa trẻ mang cơm trưa cho bố mẹ, anh chị đi làm đồng xa nhà, phải nghỉ tại quán, hoặc gánh rơm cho trâu bò ăn trưa. Rất may trên địa bàn tỉnh Hải Dương chúng ta vẫn còn lưu giữ lại được mấy ngôi quán khá đẹp. Đó là quán Thiềng Viềng, thôn Địch Tràng, xã Đức Chính; quán Tú La ở thị trấn Cẩm Giang (cùng huyện Cẩm Giàng); quán Hà Đông, xã Quyết Thắng (TP Hải Dương)... Đặc biệt nhất là 4 ngôi quán ở giữa cánh đồng thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng (Bình Giang). Trong đó có một căn quán gần như vẫn giữ được nguyên bản với những kiến trúc đặc thù xưa như nhà 5 gian, cột đá, kèo bằng gỗ lim rất đẹp mặc dù đã trải qua cả trăm năm tuổi. Hằng ngày, sau giờ lao động nặng nhọc, người dân trong làng vẫn nghỉ ngơi trong quán.
LAN ANH - HOÀNG QUYẾT THẮNG