Đầu tư lĩnh vực thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa ở Hải Dương

25/12/2021 11:00

Trong 12 lĩnh vực có thể phát triển công nghiệp văn hóa, Hải Dương nên xác định đâu là thế mạnh để tập trung đầu tư thực hiện.


  Gốm Chu Đậu (Nam Sách) đã được xác định là một trong những sản phẩm công nghiệp văn hóa tiêu biểu

Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Chương trình phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Tỉnh ủy ban hành. Để thực hiện nội dung này, Hải Dương cần có sự chung tay, góp sức từ chính quyền các cấp đến người dân.

Thay đổi suy nghĩ

Trong buổi giám sát về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toản trăn trở cho rằng CNVH ở Hải Dương có cơ hội phát triển nhưng chưa có hướng đi cụ thể và bài bản. Đồng chí cho rằng muốn phát triển CNVH thì trước hết phải thay đổi suy nghĩ cho rằng đây là lĩnh vực "tiêu tiền". Nếu chúng ta có cách làm sáng tạo thì CNVH lại là lĩnh vực “hái ra tiền”. Chung quan điểm này, ông Lương Anh Tế, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, người nghiên cứu khá kỹ về chương trình trên của tỉnh khẳng định, Hải Dương có bề dày văn hóa truyền thống, mảnh đất địa linh, nhân kiệt. Đặc biệt Hải Dương có hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa phong phú, hàng trăm làng nghề với những sản phẩm tinh hoa, giàu bản sắc. Đó còn chưa kể, Hải Dương là mảnh đất trù phú về nông nghiệp, cảnh quan nông thôn đẹp đẽ. Tỉnh không thiếu những nơi có thể thu hút các đoàn làm phim về lấy bối cảnh ghi hình. Nhiều sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương như gốm Chu Đậu, tranh thêu Xuân Nẻo, vàng bạc Châu Khê… hoàn toàn có thể khai thác để phát triển CNVH.

Hiện nay, CNVH được Chính phủ xác định gồm 12 lĩnh vực: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, hướng dẫn viên du lịch của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Merci Việt Nam (Hà Nội), doanh nghiệp đã thực hiện nhiều tour du lịch đến Hải Dương cho rằng Hải Dương hoàn toàn có thể khai thác được nhiều tour du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. "Các trò chơi dân gian ở khu vực đảo Cò (Thanh Miện), múa rối nước ở Ninh Giang... đều có thể khai thác để thu hút du khách. Nhưng tôi thấy nhiều nơi chính quyền và người dân chưa thật sự quan tâm khai thác tiềm năng, thế mạnh này”, chị Hạnh nói.  

Tìm hướng đi hiệu quả

Trong 12 lĩnh vực có thể phát triển CNVH nêu trên, Hải Dương nên xác định đâu là thế mạnh để tập trung đầu tư thực hiện. Tại phiên thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã từng đề cập đến lĩnh vực CNVH. Theo đại biểu Thoa, Hải Dương cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác đã bắt đầu quan tâm đến phát triển CNVH.

CNVH có nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng để phát huy hiệu quả thì phải lựa chọn được lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của mình. TP Chí Linh có thể phát triển du lịch tâm linh gắn với nghỉ dưỡng. Các huyện Thanh Hà, Thanh Miện, Nam Sách, Tứ Kỳ, Ninh Giang có thể khai thác về giá trị các làng nghề thủ công truyền thống… Nhiều huyện, thành phố khác trong tỉnh có thể phát triển du lịch văn hóa gắn với các di sản vật thể và phi vật thể hiện có.

Khi xác định được lĩnh vực có thế mạnh để phát triển CNVH, tỉnh cần những nhà đầu tư chiến lược và hiệu quả, tạo sự đột phá trong lĩnh vực này. Ông Lương Anh Tế cho biết TP Chí Linh đã thu hút được Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) về đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh. Một số địa phương khác trong tỉnh cũng đã xác định được lĩnh vực đầu tư riêng của mình. Tuy nhiên, cần thu hút được những nhà đầu tư lớn, có chiến lược phát triển cụ thể mới có thể khai thác hiệu quả giá trị của CNVH.

Những nghệ sĩ, nghệ nhân, người dân, doanh nghiệp là chủ thể sáng tạo trong phát triển CNVH. Do đó, tỉnh nên có những chính sách tốt hơn quan tâm đến những người này. Các công trình, dự án phát triển những giá trị văn hóa vật thể cần sớm có phân kỳ đầu tư, xác định và huy động các nguồn lực đầu tư. Đối với những giá trị văn hóa phi vật thể cần sớm tổ chức hội thảo khoa học để đánh giá đúng những giá trị cốt lõi, khơi dậy niềm tự hào, khát vọng phát triển…

Phát triển CNVH cần hướng đi bài bản, dài hạn và có những cú hích mạnh mẽ mới có thể giúp Hải Dương trở thành nơi có CNVH phong phú, đa dạng, đem lại giá trị kinh tế bền vững.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư lĩnh vực thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa ở Hải Dương