Sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo đặt ra nhiều thách thức cho những người sáng tạo nội dung số về vấn đề bản quyền, an ninh mạng, tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của người thực hành, nhà sáng tạo.
Một tiết mục biểu diễn trong Liên hoan Nghệ thuật Các Dân tộc tại Hậu Giang 2023
Hội thảo "Phát triển Các ngành Công nghiệp Văn hóa, Sáng tạo Việt Nam trong Kỷ nguyên Số" đã diễn ra sáng 23.8 tại Hà Nội, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong nước, quốc tế; các nhà quản lý; nghệ sỹ, người hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam.
Sự kiện do Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Netflix tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hợp tác nhằm triển khai Bản ghi nhớ Hợp tác Văn hóa, Kinh tế Sáng tạo, Thể thao và Du lịch giữa Bộ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) mà Netflix là thành viên.
Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế nêu rõ sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận cho tất cả mọi người.
Tuy vậy, chuyển đổi số, bùng nổ trí tuệ nhân tạo đặt ra nhiều thách thức cho những người sáng tạo nội dung số như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.
Bà Nguyễn Phương Hòa chia sẻ thông qua hội thảo này, Ban Tổ chức mong muốn tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia nghiên cứu, người thực hành văn hóa, nghệ thuật... trao đổi về bối cảnh trong nước, quốc tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số.
Các đại biểu cùng phân tích, chỉ ra các cơ hội, những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu người làm sáng tạo và xu thế số hóa hiện nay.
Tại hội thảo, nhóm 3 tác giả gồm Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật Đương đại và Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Anh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), Thạc sỹ Phạm Văn Nghĩa (Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chia sẻ báo cáo chuyên đề về "Chính sách Phát triển Các ngành Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo Việt Nam trong Môi trường Số."
Qua đó, đại biểu hiểu hơn hệ thống chính sách vĩ mô, chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng số, chính sách về văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa nói chung cũng như chính sách riêng cho từng ngành.
Các chuyên gia nêu rõ mặt thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số. Từ đó, nhóm đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa nước nhà trong Kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 gồm 6 vấn đề.
Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo phù hợp với sự phát triển của công nghệ số; chú trọng phát triển hạ tầng số; phát triển nhân lực công nghệ số chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo...
Tại Hội thảo, hai phiên thảo luận diễn ra sôi nổi và thiết thực. Các diễn giả thảo luận những cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam dưới góc nhìn của người trực tiếp "thực hành" nghệ thuật.
Các diễn giả nêu mong muốn với cơ quan chức năng nhằm giúp doanh nghiệp, người làm nghệ thuật có thể thuận lợi vượt qua thách thức, nắm bắt hiệu quả cơ hội khi hoạt động trong môi trường số.
Có ý kiến đề nghị cần coi sản phẩm của công nghiệp văn hóa là tài sản trí tuệ, được định giá, định hình và chấp nhận nó như một sản phẩm đặc thù trong sáng tạo, phát huy các giá trị văn hóa...
Theo TTXVN