Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng khẳng định, tỉnh sẵn sàng đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Chiều 1/7, UBND tỉnh làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025.
Các đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác tổ chức và các lĩnh vực của ngành. Trong đó có những vấn đề liên quan đến việc xây dựng Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thuộc Khu liên hợp văn hóa thể thao tỉnh; việc sửa chữa, đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số di tích và Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hóa Xứ Đông; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch...
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Quan điểm của tỉnh là sẵn sàng đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch bởi đây là sự đầu tư cho hạnh phúc của người dân, vấn đề quan trọng là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tham mưu đúng và trúng.
Kết luận buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời lưu ý một số vấn đề.
Đối với các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải khảo sát ngay thực trạng của các nhà văn hóa thôn, khu dân cư, sau đó tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn lực để đầu tư với mục tiêu là tất cả các nhà văn hóa thôn, khu dân cư phải được đầu tư. Đồng chí cũng nhấn mạnh, một trong những vấn đề trước mắt là ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải phối hợp với các ngành liên quan đưa vào quy hoạch cấp xã, cấp phân khu để cơ bản các thôn, khu dân cư đều có đất xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi và tập luyện của nhân dân.
Đối với việc tu bổ, tôn tạo các công trình, di tích đã được xếp hạng, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu, ngay sau cuộc họp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng báo cáo, trong đó nêu rõ những di tích cần đầu tư tôn tạo ngay trong giai đoạn này, làm rõ những hạng mục cần đầu tư.
Việc xây dựng các công trình thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải thực hiện theo phương châm lựa chọn nhà thầu tốt, đơn vị tư vấn tốt, không vì bất cứ lý do gì làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực làm công tác du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng chí giao các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển hạ tầng du lịch: lưu trú, ẩm thực, mua sắm… gắn với phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Về việc phát triển thể thao thành tích cao, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho tỉnh thực hiện các chính sách phát huy nguồn lực vận động viên thể thao thành tích cao. Đồng thời, sở cũng phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu mô hình xây dựng bể bơi, nguồn lực đầu tư, cơ chế quản lý và phương thức quản lý bảo đảm an toàn nhằm thực hiện tốt việc phổ cập bơi cho trẻ em và các tầng lớp nhân dân.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hải Dương còn thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, cấp tỉnh còn thiếu rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm, nhà hát, sân vận động… Cấp cơ sở còn 27 thôn, khu dân cư chưa có nhà văn hóa, 36 xã chưa có sân vận động và 202 thôn, khu dân cư chưa có sân thể thao. Tại các khu, cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Hải Dương có 3.199 di tích, trong đó có 417 di tích đã được xếp hạng nhưng nhiều di tích đang bị xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo. Nhiều công trình, hạng mục tại Bảo tàng tỉnh đều đã bị xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác bảo quản, nghiên cứu, trưng bày hiện vật. Một số hạng mục tại các công trình thuộc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao; Thư viện tỉnh; Trung tâm Văn hóa Xứ Đông đã xuống cấp cần cải tạo, sửa chữa để bảo đảm điều kiện hoạt động của các đơn vị. Hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch còn hạn chế và chưa đồng bộ ảnh hưởng đến khả năng phát huy các tài nguyên du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật du lịch tại một số điểm đến, cơ sở lưu trú chưa được nâng cấp đầu tư; chưa có dịch vụ vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp...