Dấu tích Thánh Trần giết giặc Phạm Nhan

28/09/2015 06:15

Chuyện Đức Thánh Trần giết Phạm Nhan đã được nhiều tài liệu cổ ghi chép và truyền tụng trong dân gian. Còn ở Kiếp Bạc bây giờ vẫn hiện hữu nhiều dấu tích liên quan đến câu chuyện huyền sử xưa kia.



Dải Cồn Kiếm huyền thoại trên Sông Thương


Kiếp Bạc là nơi Trần Hưng Đạo lập phủ đệ, xây dựng phòng tuyến tiến hành các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII. Tại đây đã diễn ra trận Vạn Kiếp năm 1285 nổi danh trong lịch sử.

Hơn 700 năm đã trôi qua song về đây du khách vẫn được nghe vô vàn những câu chuyện ly kỳ, dị thường, đậm chất truyền thuyết do người dân địa phương kể lại, ngợi ca tài năng, công đức của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Một trong những câu chuyện ấy là việc Trần Hưng Đạo giết tên tướng giặc Phạm Nhan. Huyền bí, song người dân ở đây tin rằng đó là thật bởi nó gắn với những dấu tích đang hiện hữu.

Cùng chúng tôi ngược dải sông Thương, ông Trần Văn Dỹ, 81 tuổi ở thôn Vạn Yên (xã Hưng Đạo) bất chợt dừng chân bên một khu đất ven đường. Ông bảo: "Đây chính là nơi ngày xưa có ngôi nghè bà hàng cơm". Theo ông Dỹ, ngôi nghè không lớn, mỗi chiều chỉ độ 2,5 m nhưng có mái cao, hướng ra sông Thương. Trong nghè có một bệ thờ bằng đá và bát hương. Vì nghè nằm bên đường, không có cửa nên người đi đường thường vào đó trú mưa. Khoảng năm 1954 - 1955, nghè bị người dân phá lấy gạch. Tuy nhiên ở đây vẫn còn nền móng bằng gạch cổ.

Ông Dỹ kể, bà hàng cơm là người đóng vai trò quan trọng trong việc hiến kế cho Đức Thánh Trần cách giết giặc Phạm Nhan. Truyền thuyết này người dân trong thôn ai cũng biết. Thời đó, thôn Vạn Yên có bà lão mở hàng bán cơm cho khách đi đường. Khi quân Nguyên sang xâm lược, Trần Hưng Đạo ngầm sai bà theo dõi, thu thập tin tức các đội binh thuyền của giặc rồi mật báo để Người kịp thời đối phó. Bữa nọ, có một người vận đồ xanh, tướng mạo hung dữ vào uống rượu. Bà hỏi tên tuổi, được biết đó là tướng giặc Phạm Nhan. Sau khi đã tiếp rượu cho tên giặc uống say, bà chủ quán lựa lời dò hỏi: "Nghe nói tướng quân tài giỏi có nhiều phép màu có phải không?". Trong men rượu, Phạm Nhan khoe khoang: “Ta có 5 phép thần thông. Muốn trói được ta phải dùng chỉ ngũ sắc. Muốn chém được đầu ta phải dùng vôi tôi, phân gà sáp và bồ hóng bếp bôi lên lưỡi kiếm”. Nắm được bí mật đó, bà chủ quán đã kịp thời báo về quân doanh cho Trần Hưng Đạo biết.

Trong một trận đánh, Phạm Nhan bị quân ta bắt được. Hưng Đạo Vương liền sai lấy chỉ ngũ sắc trói chặt lại. Khi mang ra pháp trường, Hưng Đạo Vương lấy vôi, phân gà sáp và bồ hóng bôi lên lưỡi kiếm và chém được đầu Phạm Nhan. Còn bà chủ quán hàng cơm được vua Trần phong chức Thiên Hương Ngọc Trịnh công chúa. Khi bà mất, để tỏ lòng biết ơn người có công với nước, nhân dân địa phương đã lập nghè thờ tại quán hàng của bà.

Liên quan đến chuyện Đức Thánh Trần chém Phạm Nhan còn có dải đất trên sông Thương trước cửa đền được dân gian gọi là Cồn Kiếm. Đứng trên đỉnh núi, chỉ tay ra dải sông Thương chạy dài trước mặt quanh co giữa những cánh đồng bát ngát và xóm thôn trù phú, ông Trần Văn Xế, một bậc cao niên ở làng Vạn Yên hiện đang tham gia trông nom đền Bắc Đẩu cho biết: "Tất cả vùng đất này đều có những dấu tích gắn với Đức Thánh Trần. Phía đông bắc là thung lũng dãy núi Trán Rồng, nơi có Từ Cũ, di tích thờ Trần Hưng Đạo lúc người còn sống. Ngay dưới chân núi là sông Vang và xưởng thuyền gắn với các hoạt động quân cơ của Đức Thánh Trần. Còn dải đất chạy dài trên sông, trước cửa đền Kiếp Bạc chính là Cồn Kiếm, nơi Đức Thánh Trần sau khi chém giặc Phạm Nhan đã thả thần kiếm xuống.

Việc Đức Thánh Trần giết giặc Phạm Nhan được ghi trong nhiều tài liệu cổ như: Ngọc phả nhà Trần, Công dư tiệp ký… với các tình tiết khá ly kỳ. Phạm Nhan rất giỏi tà thuật nên khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta, Phạm Nhan dùng âm binh, hô mây gọi gió khiến nhiều lần quân ta thất thủ. Trước tình thế đó, Hưng Đạo Vương phải lập đồ trận cửu cung bát quái kết hợp với thanh thần kiếm để phá. Sau này, Hưng Đạo Vương sai Yết Kiêu đi đục thuyền bắt Phạm Nhan, nhưng cứ bắt được thì nó lại biến mất. Hưng Đạo Vương dặn: “Phải trữ sẵn chỉ ngũ sắc, chờ khi bắt được thì dùng chỉ quấn vào mình nó”. Quả nhiên, Yết Kiêu đi và dùng chỉ ngũ sắc bắt được Phạm Nhan. Khi ra pháp trường, cứ chém đầu này thì Phạm Nhan lại mọc ra đầu khác, Hưng Đạo Vương phải mang thần kiếm ra mới giết được.

Theo ông Xế, các cụ làng Vạn Yên kể, sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông, Hưng Đạo Vương về nghỉ tại phủ đệ của Người ở Vạn Kiếp. Một hôm, Người cùng gia nhân dùng thuyền nhỏ đi dạo cảnh trên dòng sông Lục Đầu, Người rút thanh kiếm ra và nói: "Thanh gươm này đã gắn bó với ta gần cả cuộc đời. Trong suốt cuộc chinh chiến nó đã dính bao máu giặc Thát. Nó đã từng được bôi phân gà sáp với vôi tôi và bồ hóng để chém đầu tên giặc Phạm Nhan nhơ bẩn. Nay ta muốn nhờ dòng nước sông Lục Đầu để gột rửa sạch những vết nhơ trên nó". Nói rồi ông ném thanh gươm xuống dòng sông. Từ đó, tại khúc sông nơi Trần Hưng Đạo thả kiếm, phù sa cứ bồi dần thành dải đất chạy dài giống hình lưỡi kiếm.

Các câu chuyện có thể chỉ là truyền thuyết, song sự hiện hữu của các dấu tích xưa đã minh chứng cho một thời kỳ lịch sử oanh liệt gắn với vị anh hùng lỗi lạc, tài ba của dân tộc.

NGUYÊN DÃ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu tích Thánh Trần giết giặc Phạm Nhan