Di tích

Dấu tích cầu đá cổ ở Xạ Sơn

HOÀNG HƯƠNG 14/11/2023 19:16

Đó là 12 di vật về một cây cầu bằng chất liệu đá xanh nguyên khối, được phát hiện tại sân trước nhà ông Nguyễn Văn Nhương, sinh năm 1960, ở thôn Xạ Sơn, xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương).

2.jpg
Trang trí vân mây trên dầm cầu

Nét văn hóa làng quê Hải Dương

Vào năm 1985, gia đình ông Nhương chuyển ra xóm 6, thôn Xạ Sơn sinh sống. Khi xây nhà, gia đình ông đã phát hiện 2 trụ cột, 1 tấm mặt giữa cầu đá. Các cụ cao niên trong làng xác định trong góc sân có thể còn các phần khác của cầu đá. Được sự đồng ý của gia đình ông Nhương, ngày 12/4/2023, thôn cắt sân bê tông của gia đình để đưa máy vào tìm thêm được 2 trụ, 2 tấm mặt bên rìa, 1 đầu dầm bị gãy nằm dưới đất sâu hơn 2 m so với mặt sân. Còn 1 xà, 3 tấm mặt không gờ nằm trên mặt bùn. Sau đó, lãnh đạo thôn đã di chuyển toàn bộ những phần trên của cây cầu đá về trung tâm văn hóa thôn Xạ Sơn.

Theo các cụ cao niên trong làng, cầu đá này sập từ những năm 1940-1945, chỉ còn lại khoảng 1-2 nhịp, đến những năm 1964-1965 thì bị sập nốt. Nơi phát hiện cầu đá là vị trí cuối thôn Xạ Sơn.

Xạ Sơn là mảnh đất được hình thành sớm trong lịch sử, xa xưa là một trang trại được bồi đắp bởi phù sa của sông Kinh Thầy. Đầu thế kỷ XIX, Xạ Sơn là một xã thuộc tổng Hà Tràng, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Sau đó, Xạ Sơn là một thôn của xã Quang Trung, huyện Kinh Môn; đến nay thuộc xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương).

Theo lịch sử truyền thống của địa phương, làng Xạ Sơn xưa kia là một vùng hồ, có sú vẹt và nhiều loại cây quý, địa thế rộng rãi, khí hậu thoáng mát, đất đai màu mỡ. Những dòng họ đầu tiên về khai phá mảnh đất này là họ Phạm, Hoàng, Nguyễn, Lê và Đào...

Xa xưa, đất nhà ông Nhương là khu đất trống nằm ở rìa làng, cầu đá đặt tại nơi đây phục vụ dân sinh. Đi qua cầu ra cánh đồng canh tác và vào chùa làng (cũ). Trong những dịp lễ hội, mọi nghi thức rước quanh làng đều phải đi qua cây cầu này. Khoảng sân nhà ông Nhương trước kia là con sông khá lớn. Sau này, hai bên cầu dân ở đông đúc. Đến khi cải cách, người dân được chia đất và lấn chiếm nhiều nên diện tích không còn như trước. Con đường mới được đắp chạy song song với sông Đào nên tuyến đường qua cầu dần thành đường cụt, do đó ít người biết tới cây cầu đá.

4.jpg
Đoàn khảo sát kiểm tra tại thực địa lưu giữ cấu kiện cầu

Khi đoàn khảo sát của Bảo tàng tỉnh đến hiện trường, số di vật về cầu đá đã được di dời về trung tâm văn hóa thôn, không còn nguyên hiện trạng ban đầu, gồm 12 di vật bằng chất liệu đá xanh nguyên khối.

Trong đó đáng chú ý có 2 dầm cầu. Dầm thứ nhất dài 165 cm, rộng 27 cm, dầy 13 cm. Hai bên dầm được chạm khắc vân mây cách điệu tựa hình đầu rồng trong tư thế ngẩng cao đầu. Trên thân dầm có khoét 2 lỗ ở 2 đầu tạo thành lỗ mộng, kết nối với phần đầu chân cột đá có mộng/ngõng cắm vào dầm để tránh làm xê dịch chân cột cầu. Dầm thứ hai dài 111 cm, rộng 27 cm, dầy 26 cm, dầm bị gãy còn lại 1/3. Ngoài ra còn 4 chân cột đá, 6 tấm mặt cầu.

Lưu giữ giá trị lịch sử

Do cầu không có bia đá nên việc xác định niên đại cầu dựa vào sự nghiên cứu so sánh với các cây cầu khác trong vùng và việc khảo sát các văn bản Hán nôm cổ trong khu vực Kinh Môn. Khi so sánh họa tiết trang trí trên dầm cầu và mặt cầu với các cầu đá Hà Tràng (xã Thăng Long, Kinh Môn), cầu Hảo Thôn (xã Đồng Lạc, Nam Sách), cầu Đông Tràng (xã Quyết Thắng, TP Hải Dương), đoàn khảo sát cho rằng, các cấu kiện cầu trên có nhiều điểm tương đồng. Bước đầu, đoàn xác định, cầu có niên đại cuối thế kỷ XVIII- đầu thế kỷ XIX, cách ngày nay hơn 200 năm.

Theo thần tích còn lưu giữ tại đình Xạ Sơn, cầu của làng Xạ Sơn được khởi dựng từ thời Lý, ban đầu làm bằng gỗ, có tên là cầu Điền, do năm tháng vật đổi sao dời cầu được thay thế bằng cầu đá. Theo truyền ngôn, hiện nay người dân địa phương gọi là cầu Rền. Việc phát hiện số cấu kiện cầu trên cho chúng ta giả định có thể đây là cây cầu Điền năm xưa đã bị phá hủy trong chiến tranh.

3.jpg
Thân dầm khoét 2 lỗ mộng và phần đầu chân cột đá có mộng

Số di vật cầu trên còn khoảng 1-2 nhịp, chưa đủ các nhịp của một cây cầu đá, nên tạm thời đoàn khảo sát bàn giao cho UBND xã Quang Thành quản lý lưu giữ và bảo quản.

Hải Dương là địa phương có nhiều cây cầu đá cổ, một số rất ít còn bia dựng cầu. Niên đại tạo dựng cầu chủ yếu vào thế kỷ XVIII và XIX. Qua khảo sát nghiên cứu bước đầu, hiện nay tỉnh Hải Dương còn lưu giữ được 13 cây cầu đá.

HOÀNG HƯƠNG
(0) Bình luận
Tin mới nhất
Dấu tích cầu đá cổ ở Xạ Sơn