Hồi những năm 70 của thế kỷ trước, tôi dạy học ở trường cấp ba thị xã Uông Bí (Quảng Ninh). Đồng nghiệp với tôi có ông Dương Văn Khoa, là người nghiên cứu văn hóa rất sâu và thường hay làm nổ những quả bom tranh luận học thuật. Thơ Phạm Tiến Duật cũng thường làm nảy sinh những cuộc cãi vã. Người khen cũng nhiều và người chê cũng không ít. Sau khi bài thơ "Gửi em cô thanh niên xung phong" của Phạm Tiến Duật được in ra, để mặc cho người khác ríu rít khen, ông cầm tờ báo về phòng mình.
Hôm sau gặp tôi, ông lắc đầu nguầy nguậy:
- Sai. Bài thơ in sai.
- Bài nào?
- Bài "Gửi em cô thanh niên xung phong" của Phạm Tiến Duật.
- Sai cái gì?
- Sai một dấu huyền.
Ông mở tờ báo ra đọc.
Em không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà.
Như vậy nhà in sai đã in sai dấu huyền vào đây và làm cho hình ảnh cô thanh niên xung phong không còn đẹp nữa. Bởi vì cô ngủ ngày chân lấm thì "ngày" làm sao phá nhiều bom nổ chậm được.
Như vậy câu thơ này phải là:
Em không rửa ngủ ngay chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà.
Câu thơ rất hay về nhạc điệu, làm đẹp hình ảnh cô thanh niên xung phong mà cũng logic nữa.
Tôi thấy ý kiến Dương Văn Khoa là đúng.
Sau này khi chuyển công tác về Hà Nội, một lần đến thăm Phạm Tiến Duật, tôi có hỏi ông về việc này và không quên nói ý kiến của ông Dương Văn Khoa. Phạm Tiến Duật nghe xong trầm ngầm:
- Sai. Sai quá. Cái dấu huyền tai hại.
Tôi không hiểu Phạm Tiến Duật thú nhận là mình sai hay chê trách báo in sai. Nhưng chi tiết này thiết tưởng cũng đáng để cho những ai muốn tìm hiểu sâu về bài thơ "Gửi em cô thanh niên xung phong" tham khảo, bởi hầu như tất cả các tập thơ có in bài thơ của Phạm Tiến Duật, chữ ngày vẫn lù lù án ngữ.
ĐỖ PHƯƠNG NHÂM (st)