Dấu hiệu vi phạm tại Công ty Quảng Phong

20/08/2020 10:03

Hoạt động tái chế, nghiền liệu do Công ty Quảng Phong tự lắp đặt thêm. Hoạt động này không có trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 1.2017.



Anh Q. nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất yếu, đi tiểu không kiểm soát được và xuất hiện ảo giác

Công nhân đã và đang làm việc tại bộ phận nghiền liệu của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam (Công ty Quảng Phong) ở cụm công nghiệp Ngũ Hùng - Thanh Giang (Thanh Miện) rất lo lắng, bất an vì nhiều người nhiễm bệnh.

Môi trường làm việc không bảo đảm

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hồ sơ dự án nhà máy sản xuất các loại rèm, ga giường, khăn trải bàn của Công ty Quảng Phong đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt có nguyên liệu, hóa chất sử dụng một số chất phụ gia, tạo màu. Nguyên liệu đầu vào là các sản phẩm có chất liệu gỗ, vải, tre PVC. Trong quy trình sản xuất không có hoạt động nghiền liệu, tái chế phế liệu, sản phẩm lỗi hỏng trong quá trình sản xuất.

Qua tìm hiểu, hoạt động tái chế, nghiền liệu do Công ty Quảng Phong tự lắp đặt thêm. Hoạt động này không có trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 1.2017. Theo báo cáo ĐTM, phế liệu trong quá trình sản xuất gồm bìa carton, nilon, màng PVC dư thừa… được công ty thu gom và bán cho các đơn vị tái chế, không có nội dung tái sử dụng. Cuối tháng 7.2020, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã có Công văn 242/SKNN&MT về kết quả khảo sát thực địa ở Công ty Quảng Phong. Theo đó, tiếng ồn tại công ty này vượt tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ bụi cao, đặc biệt là khu vực tạo hạt. Mẫu nguyên liệu, sản phẩm tại xưởng nguyên liệu có nhiều kim loại như chì, kẽm, thiếc, asen… Không khí môi trường lao động có một số hợp chất hữu cơ nguy hại bay hơi. Trong hai tháng 9 và 10.2018, đoàn thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành thanh tra việc thực hiện dự án đầu tư; hoạt động doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty Quảng Phong. Thanh tra đã chỉ ra một số sai sót như công ty giãn tiến độ dự án, giãn tiến độ đầu tư nhưng không đề xuất bằng văn bản với cơ quan đăng ký đầu tư; không thực hiện chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định. 


Môi trường làm việc trong bộ phận nghiền liệu của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam không bảo đảm, nồng độ bụi cao

Công nhân lo lắng

Sau khi có thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai về những người nhiễm độc thiếc có thời gian làm việc tại Công ty Quảng Phong, nhiều lao động đã và đang làm việc tại công ty này rất lo lắng. Mặc dù đã được ngành y tế khuyến cáo nhập viện điều trị nội trú nhưng nhiều người vẫn lưỡng lự. Qua tìm hiểu, ngoài lý do chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm của việc nhiễm độc thiếc thì nguyên nhân chính khiến các công nhân không dám điều trị là do lo ngại tốn kém. Nhiều công nhân làm việc ở đây có hoàn cảnh khó khăn.

Cuối năm 2019, anh V.V.Q. ở xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) vào làm việc tại bộ phận nghiền liệu của Công ty Quảng Phong. Quá trình làm việc, anh Q. thấy cay mắt, tay chân run. Đầu tháng 6.2020, anh Q. phải nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. “Lúc nghỉ việc, Q. sút khoảng 10 kg so với thời điểm xin vào Công ty Quảng Phong làm. Em tôi nhập viện trong tình trạng rất yếu, đi tiểu không kiểm soát được và xuất hiện tình trạng ảo giác”, chị Xuyến người nhà anh Q. cho biết.

Thời điểm điều trị cho anh Q., Bệnh viện Bạch Mai chưa xác định được nguyên nhân của các biểu hiện lâm sàng là do ngộ độc thiếc mà mới chẩn đoán anh Q. bị hạ kali máu, toan hóa ống thận, theo dõi rối loạn tâm thần thực tồn… Sau 7ngày điều trị, anh Q. chủ động xin ra viện vì lý do gia đình và kinh tế khó khăn. Anh Q. là công nhân đầu tiên làm việc ở Công ty Quảng Phong đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Từ đó đến nay, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận thêm 8 trường hợp khác cũng từng làm việc tại công ty này đến khám và điều trị vì nhiễm độc thiếc.

Anh L.V.M. ở xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) làm việc tại bộ phận nghiền liệu của công ty từ những ngày đầu. Anh M. thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, tức ngực và đã xin nghỉ để điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện và Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ giữa tháng 7. Sau khi ra viện, anh M. vẫn thấy tay chân có biểu hiện tê, run, các khớp xương đau mỏi nên đã tới Bệnh viện Bạch Mai khám. “Hiện nay, chỉ tính tiền khám đã mất vài triệu đồng. Quá trình điều trị sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Người lao động chúng tôi rất mong muốn được công ty hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh”, anh M. chia sẻ.

Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ và xử lý nghiêm những vi phạm nếu có đối với Công ty Quảng Phong. 

  PHAN ANH

Ngày 13.8, báo Hải Dương có bài phản ánh về việc nhiều công nhân làm việc tại Công ty Quảng Phong bị tổn thương thần kinh. Sáng 14.8, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh và UBND huyện Thanh Miện tổ chức buổi làm việc với Công ty Quảng Phong. Cùng ngày, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) có văn bản 1491/MT-LĐ gửi Sở Y tế Hải Dương, trong đó khẳng định một số công nhân của Công ty Quảng Phong bị nhiễm độc thiếc nghề nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu hiệu vi phạm tại Công ty Quảng Phong