Dấu hiệu tích cực cho kinh tế

23/12/2014 08:20

Việc giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu giảm sâu đến 2.050 đồng/lít kể từ 15 giờ chiều 22-12 được các chuyên gia đánh giá sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế.


Dấu hiệu tích cực cho kinh tế


Giá xăng dầu giảm mạnh, các doanh nghiệp vận tải cần phải giảm giá cước tương xứng - Ảnh: Ngọc Thắng


Trả lời báo chí về việc giá xăng dầu giảm khá mạnh lần này nhưng vẫn còn cách xa giá xăng dầu nhiều nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, sự khác biệt này là do các loại thuế, phí và các khoản trợ cấp cho xăng dầu ở các nước khác nhau. “Tất cả các quốc gia có quyền truy cập, mua xăng dầu theo giá của thị trường quốc tế, nhưng sau đó mỗi quốc gia lại quyết định áp đặt các loại thuế, phí ở các mức khác nhau và kết quả là giá bán lẻ xăng dầu các quốc gia cũng khác nhau”, ông Hải nói.


Tác động lớn đến mặt bằng giá



Đây là lần điều chỉnh giá mạnh nhất trong 5 lần giảm giá gần đây. Cụ thể, giá xăng RON 92 giảm 2.050 đồng/lít, dầu DO giảm 1.420 đồng/lít, dầu KO giảm 1.570 đồng/lít và giá dầu FO giảm 1.690 đồng/lít. Mức trích quỹ bình ổn giá cũng đã được nâng lên thành 800 đồng/lít đối với tất cả chủng loại xăng dầu.

Trước đó, ngày 6-12, thuế suất thuế nhập khẩu xăng cũng được điều chỉnh (theo Thông tư 185/2014/TT-BTC) từ 18% lên 27% (tăng 9%), dầu diesel tăng từ 14% lên 23% (tăng 9%), dầu hỏa tăng từ 16% lên 26% (tăng 10%), dầu mazút tăng từ 15% lên 24% (tăng 9%).


Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long nhận định, việc giảm giá xăng kỳ này sẽ tác động lớn đến mặt bằng giá, chỉ số CPI trong quý 1/2015, gần nhất là trong tháng 1.2015 này. “Sẽ có sự thay đổi lớn theo hướng tích cực về giá cả các mặt hàng hóa trước tết nếu song song việc giảm giá xăng dầu, nhà nước giám sát việc giảm giá của các doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều nhiên liệu như trong ngành vận tải, đánh bắt thủy hải sản xa bờ, sản xuất...”, TS Long nói.

“Giá xăng giảm đến 2.000 đồng/lít là việc mà đến 4 năm qua chưa xảy ra. Đây là dấu hiệu tích cực cho dự báo kinh tế sắp tới. Bởi thực tế, giá xăng dầu ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào sản phẩm, chi phí đi lại của người dân. Tiết kiệm được khoản tiền chi cho xăng dầu, người dân sẽ đổ vào chi tiêu các khoản khác. Quan trọng hơn, điều này sẽ tác động giải tỏa tâm lý gánh nặng giá xăng dầu VN quá cao lâu nay. Về mặt vĩ mô, việc giảm sâu giá xăng trong thời điểm này sẽ góp phần giúp phục hồi kinh tế nhanh hơn”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính, phân tích.

Theo TS Hiếu, tuy chỉ còn một tuần nữa là kết thúc năm 2014, nhưng việc giảm này sẽ có tác động “ngay tức thì” và đang có tác động tốt chứ chưa nói đến sang năm 2015. “Giá xăng dầu thế giới được dự báo sẽ giảm sâu đến 40 USD/thùng trong năm tới, hiện tại là 60 USD/thùng. Các nước xuất khẩu dầu lớn như Nga, Ả Rập... sẽ bị tác động mạnh, nhưng các quốc gia nhập khẩu xăng dầu thành phẩm như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, VN... sẽ được hưởng lợi. Nên chắc chắn, kinh tế VN trong năm tới sẽ tiếp tục có những tác động tích cực từ việc giảm giá xăng dầu này. Chỉ số tiêu dùng, lạm phát sẽ có những dấu hiệu tích cực và sáng sủa hơn trong quý 1 năm tới”, ông Hiếu nói.

Doanh nghiệp vận tải chây ì

Trong khi đó, trả lời về việc sau mức giảm giá xăng dầu mới này, giá cước vận tải có thể giảm thêm bao nhiêu, đại diện một hãng xe chạy tuyến TP HCM - Vũng Tàu nói “phải cân nhắc chi phí bảo dưỡng, nhân công, phụ tùng cùng với yếu tố cạnh tranh trên thị trường mới có thể tiếp tục điều chỉnh giá cước”.

Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông (TP HCM), từ khi giá xăng dầu liên tục giảm đến nay, chỉ có khoảng 80 DN trong tổng số gần 220 DN vận tải hành khách có xe hoạt động tại bến giảm giá cước. Mức giảm vừa qua khoảng từ 5 - 10% tùy DN và luồng tuyến. Chỉ vài tuyến giảm trên 20% do cạnh tranh trong giai đoạn ít khách hiện nay. “Có những DN suốt mấy năm qua vẫn giữ nguyên giá cước mặc cho giá nhiên liệu có tăng hay giảm”, ông Hải nói.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, ông Tạ Long Hỷ, nói: “Các DN taxi đang tính toán, cân nhắc, chưa nói được gì cả”. Theo giải thích của ông Hỷ, lý do là đầu tháng 12 hầu hết các DN taxi tại TP.HCM đã giảm giá cước 500 đồng/km, nên chỉ những DN nào đợt vừa qua chưa giảm giá cước thì nay buộc phải giảm.

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, dù giá cước vận tải hiện nhà nước không quản lý nhưng Sở Tài chính, Sở GTVT vẫn có quyền yêu cầu DN báo cáo vì sao giá nhiên liệu giảm mạnh mà DN vẫn không giảm giá cước. Nếu DN không có lý do thuyết phục thì buộc DN vận tải đó phải giảm giá cước.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: “Đến nay giá xăng dầu đã giảm trên 30% trong khi giá cước vận tải giảm hoàn toàn chưa tương xứng. Bộ GTVT, Bộ Tài chính cần có giải pháp để chấm dứt sự vô lý này”.


Nhiều cây xăng đồng loạt đóng cửa trước khi xăng giảm giá


Ngày 22-12, nhiều cây xăng ở hai huyện miền núi Kỳ Sơn và Tương Dương (Nghệ An) đã đóng cửa, treo biển hết hàng trước khi xăng, dầu giảm giá. Ông Mùa Nỏ Xử, Phó chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn, cho biết các cây xăng trên địa bàn huyện đã ngưng bán từ chiều 21-12. Do các cây xăng đồng loạt đóng cửa, nên sáng 22-12, UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện cả 5 cây xăng trên địa bàn đều hết sạch xăng, dầu. Đến 16 giờ ngày 22-12, chỉ có cây xăng của một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trở lại. “Các chủ cây xăng biết trước xăng, dầu giảm giá mạnh nên đã ngưng nhập về từ trước đó để tránh bị lỗ. Chúng tôi đã báo cáo Sở Công thương để có hướng xử lý các chủ cây xăng này”, ông Xử nói. Trong khi đó, từ sáng 22-12, một số cây xăng tại H.Tương Dương cũng treo biển ngừng bán vì hết xăng dầu. Lợi dụng việc các cây xăng nghỉ bán, một số người đã đi mua lại xăng, dầu từ các huyện khác về bán lẻ với giá rất cao.



Thanh niên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu hiệu tích cực cho kinh tế