Dựa vào những dấu hiệu này, cha mẹ có thể xem xét lại môi trường học tập của trẻ để đưa ra biện pháp ngăn chặn nạn bắt nạt học đường thật sớm.
1. Đồ đạc, tư trang bị mất hoặc hư hỏng
Các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 29% trẻ bị bắt nạt có tổn thương về thể chất. Phụ huynh cần lưu ý đến các đồ vật của con. Những hiện tượng như mất tư trang, hoặc tình trạng bị phá hoại ở bất kỳ mức độ nào, thường thấy qua sách vở, đồ dùng, quần áo hoặc phụ kiện,... đề có thể là dấu hiệu của việc bị trấn lột hoặc tấn công bởi người khác.
2. Giảm tự trọng đột ngột
Bị bắt nạt khiến trẻ bắt đầu tự vấn về giá trị bản thân. Chúng cảm thấy mình đang bị nhục mạ, đối xử tệ mà không vì lý do gì. Kết quả là, lòng tự trọng của trẻ bắt đầu giảm đi. Trẻ sẽ thường không còn tin tưởng vào năng lực của bản thân, cúi đầu xuống khi đi bộ hoặc nói với giọng rất nhỏ. Chúng cũng sẽ không trò chuyện nếu không được gọi tên, nhắc đến trực tiếp, hoặc thậm chí tiêu cực hơn, là sẽ tránh né giao tiếp một cách hoàn toàn.
3. Khó ngủ, gặp ác mộng
Nếu nhận thấy con bạn đột nhiên khó ngủ hoặc thường xuyên gặp ác mộng, đó có thể là dấu hiệu của việc bị bắt nạt. Nghiên cứu cho thấy, việc bị bắt nạt có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ của trẻ em. Do đó, hãy dành nhiều sự quan tâm đến thói quen và chất lượng giấc ngủ của con bạn.
4. Xa lánh bạn bè hoặc kết giao xã hội
Nếu đứa trẻ thường chọn ở nhà thay vì đi gặp bạn bè, đó có thể là dấu hiệu của nỗi sợ hãi đang lớn dần. Hành động này có thể được giải thích bởi tâm lý muốn tránh những môi trường có khả năng cao gặp phải những kẻ bắt nạt. Trẻ nhỏ không thể tự ý bỏ học và không đến trường vì sợ bố mẹ biết được, do đó, chúng sẽ chọn cách ở nhà nhiều và lâu hơn để tránh né những đối tượng đe dọa mình ở trường học.
5. Ngừng hoặc giảm tương tác với gia đình
Khoảng 1/5 số học sinh bị bắt nạt cho biết mối quan hệ của các em với các thành viên trong gia đình cũng gặp phải căng thẳng. Con có thể ở cùng phòng với bố mẹ nhưng không đóng góp gì vào cuộc trò chuyện. Trường hợp khác có thể là con trẻ bắt đầu dành nhiều thời gian hơn trong phòng riêng. Đây là điều cực kỳ “đáng nghi”, đặc biệt là khi trước đó đứa trẻ không hề có vấn đề hay xích mích nào với thành viên trong gia đình.
6. Trẻ có dấu hiệu sợ phòng vệ sinh
Nhà vệ sinh thường là nơi vắng vẻ, dễ bị che lấp, xa lớp học nên mức độ tiếng ồn có thể được kiểm soát, không có sự giám sát của người lớn, thầy cô… có thể thành địa điểm lý tưởng cho việc bị bắt nạt. Một khi đã bị bắt nạt, trẻ sẽ có dấu hiệu ám ảnh sợ phòng vệ sinh, sợ đi vệ sinh vì ở trường phải tiếp xúc, bạo hành trong những phòng vệ sinh chật chội, dơ bẩn…
7. Thay đổi thái độ đột ngột với bố mẹ
Bị bắt nạt có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần của trẻ. Các con có thể bắt đầu bộc lộ những thay đổi trong cách xử lý cảm xúc. Nếu bị đối xử tệ ở trường, rất có thể con trẻ sẽ cố tình làm những điều sai trái do ảnh hưởng từ hành động của kẻ bắt nạt trong vô thức. Đứa trẻ có thể bắt đầu gây hấn với anh chị em hoặc thậm chí là cha mẹ. Với trẻ nhỏ, đây là một dạng nỗ lực để chúng cảm thấy mình đang lấy lại được kiểm soát.
8. Hỏi xin tiền hoặc vòi vĩnh một cách bất thường
Bắt nạt học đường có thể có nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là về vật chất, bằng lời nói hay qua mạng xã hội. Những kẻ trấn áp có thể gây áp lực lên nạn nhân, buộc các em phải cung cấp tiền hoặc các món đồ cho chúng. Để không bị hành hung, trẻ thường phải hỏi xin tiền từ bố mẹ, vòi vĩnh mua sắm hoặc nhận quà nhiều hơn mức cần thiết thông thường.
9. Thương tích lạ, khó giải thích
Trong trường hợp xấu, những kẻ bắt nạt có thể trở nên bạo lực về thể chất. Nếu con bạn đột nhiên bị thương hoặc bầm tím, đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng đang bị đối xử tệ và bị tấn công. Nếu thấy con không thể đưa ra lý do chính đáng hoặc hợp lý cho những xây xát trên người, bố mẹ hoàn toàn có cơ sở để lo lắng
10. Phản kháng khi bố mẹ đưa đến trường
Tất nhiên, khi bị bạo hành, bắt nạt thì không đứa trẻ nào muốn quay lại nơi mà chúng đã bị đau đớn, sợ hãi. Việc đến trường trở thành một sự đe dọa và là nổi ám ảnh lớn nhất đối với trẻ. Con bạn sẽ có những phản ứng như ôm chặt bạn, giãy giụa, thậm chí là khóc và van xin bạn để không phải đến trường, không muốn xa bạn mỗi khi bạn để con ở lại trường học một mình.
Theo VOV