Xe máy

Đấu giá biển số xe máy: Thí điểm ở đô thị lớn trước khi áp dụng đại trà?

TN (Tổng hợp) 08/04/2024 09:41

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới nhất, Chính phủ đã đề xuất luật hóa việc đấu giá biển số xe, trong đó mở rộng đấu giá với cả biển số ô tô kinh doanh vận tải và biển số xe máy.

Một chủ cửa hàng bán xe máy ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) sở hữu nhiều xe biển số đẹp - Ảnh: PHẠM TUẤN
Một chủ cửa hàng bán xe máy ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) sở hữu nhiều xe biển số đẹp - Ảnh: PHẠM TUẤN

Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến, phân tích từ nhiều phía cho thấy có sự ủng hộ lớn với chủ trương này. Đồng thời có thêm những góp ý để việc tổ chức đấu giá thuận lợi, hiệu quả hơn.

Công khai, minh bạch trong đăng ký, quản lý biển số xe

Sau khi có ý kiến đề xuất của đại biểu Quốc hội ở kỳ họp thứ 6 và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an có báo cáo khẳng định đấu giá biển số ô tô thời gian qua được dư luận xã hội rất quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Đưa biển số ô tô vào đấu giá đã đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, tạo ra sự công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số ô tô và tăng nguồn cho ngân sách nhà nước.

Chính phủ đánh giá đấu giá biển số xe mới dừng lại ở biển số ô tô cá nhân, chưa áp dụng rộng rãi với các loại biển số ô tô khác và biển số xe máy, vì vậy chưa đáp ứng hết được nguyện vọng của người dân có nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích.

Từ thực tế, theo Chính phủ, luật hóa đấu giá biển số xe là "rất cần thiết", mở rộng đối tượng đấu giá biển số xe bao gồm biển số ô tô, xe máy, trừ biển số xe cấp cho xe thuộc tài sản công, xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại cơ quan đó.

Việc mở rộng đấu giá cả biển số xe máy, theo ủy ban này, xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân có biển số mua xe máy theo ý thích. Thường trực ủy ban cũng chỉ rõ số lượng xe máy đăng ký hằng tháng rất lớn, nếu mở rộng đấu giá biển số đối với các loại xe này sẽ tăng thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Mở rộng đấu giá biển số xe máy sẽ tăng thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Trong ảnh: biển số xe máy đẹp - Ảnh: THANH HIỆP
Mở rộng đấu giá biển số xe máy sẽ tăng thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Trong ảnh: biển số xe máy đẹp - Ảnh: THANH HIỆP

Mang lại lợi ích cho người dân, Nhà nước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho hay khi thẩm tra nghị quyết 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô, ông đã đề nghị nên mở hết các kho số và không chỉ thực hiện đấu giá với ô tô mà nên thực hiện cả với biển số xe máy.

Ông Thành cũng chia sẻ qua theo dõi và từ báo cáo của Chính phủ cho thấy số tiền những người trúng đấu giá nộp, thu về ngân sách lên tới cả ngàn tỉ đồng, nhiều biển số được trả mức giá rất cao. Đây là tiền đề tốt để Quốc hội sẽ xem xét có luật hóa việc đấu giá biển số xe và mở rộng việc đấu giá với biển xe máy.

Ông Thành nhìn nhận cùng với biển số ô tô thì với số lượng xe máy ở trong nước hiện nay hơn 70 triệu xe, việc mở rộng đấu giá biển xe máy sẽ giúp tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Từ nguồn thu này, có thể đưa trở lại đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông...

Bên cạnh đó, mang lại lợi ích lớn về xã hội khi đáp ứng được nhu cầu người dân. Đồng thời nâng cao công tác quản lý, đảm bảo công khai minh bạch, hạn chế tiêu cực.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) bày tỏ đồng tình việc bổ sung, luật hóa đấu giá biển số xe máy. Ông nhấn mạnh quan điểm điều gì xuất phát từ thực tế, mang lại lợi ích cho người dân, xã hội, đất nước thì cần luật hóa để quản lý tốt nhất. Ông cho rằng việc mở rộng đấu giá với biển số xe máy sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch.

"Từ thực tế này, nếu chúng ta không đưa vào luật hóa, quản lý có thể nảy sinh những vấn đề tiêu cực, không minh bạch, trái với quy định hiện hành, từ đó gây khó trong quản lý, không đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân", ông Cừ nêu.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình việc luật hóa và mở rộng đấu giá với biển số tất cả các loại phương tiện, trong đó có xe máy. Bà Tâm nêu rõ việc mở rộng này là cần thiết và kết hợp với việc cấp, quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe. Cùng với đó, đáp ứng mục tiêu công dân số, chính phủ số theo đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công.

Tuy nhiên theo bà Tâm, biển số xe được xác định là một loại tài sản công giống như đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện...

Do đó, bà đề nghị việc quản lý biển số xe cũng tương tự như quản lý các loại tài sản công khác. Bên cạnh đó, dự luật chỉ nên quy định về loại biển đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đăng ký xe, biển số xe trúng đấu giá... Còn trình tự, thủ tục đấu giá nên thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản. Việc này nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các luật chuyên ngành và Luật Đấu giá tài sản.

Đồ họa: N.KH.
Đồ họa: N.KH.

Giá khởi điểm không thấp hơn 5 triệu đồng

Về đấu giá biển số xe máy, dự thảo luật quy định giá khởi điểm một biển số xe máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 5 triệu đồng. Tiền đặt trước không thấp hơn giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá. Bước giá bằng 10% giá khởi điểm. Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định cụ thể giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá. Việc đấu giá được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Dự thảo luật cũng luật hóa các quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe. Bên cạnh đó, bổ sung người trúng đấu giá biển số xe được quyền "đăng ký biển số xe trúng đấu giá gắn với phương tiện thuộc sở hữu của mình tại cơ quan công an nơi quản lý biển số xe trúng đấu giá hoặc nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức trúng đấu giá".

Đáp ứng nhu cầu người dân

Theo anh Phạm Đình Vinh, chủ cửa hàng kinh doanh xe máy biển số đẹp ở 918 Đường Láng (Hà Nội), hiện việc quản lý biển số thực hiện theo định danh cá nhân. Việc mua bán xe gắn biển số đẹp chủ yếu dưới hình thức hợp đồng ủy quyền, nếu sang tên chính chủ, người mua sẽ mất biển số đó bởi biển số giữ lại cho chủ cũ.

Vì thế, việc mở rộng đấu giá cả biển số xe máy sẽ đáp ứng nhu cầu cho người dân khi bỏ tiền ra, được đứng tên chính chủ xe gắn biển mình thích... và chính người kinh doanh cũng có lợi hơn.

Anh Vinh đề nghị nếu Quốc hội đồng ý thì cơ quan chức năng nên mở rộng kho số đưa ra đấu giá, không chỉ các biển đẹp mà cả những biển theo nhu cầu của người dân. Bởi thực tế biển số này với người này là không đẹp, nhưng với người kia lại là đẹp. Anh cho rằng quan trọng nhất vẫn là đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, yếu tố bảo mật và an toàn thông tin.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhu cầu sở hữu biển số xe máy đẹp là rất lớn và số tiền bỏ ra để sở hữu một biển số đẹp không hề rẻ. Theo anh Phạm Đình Vinh, hiện cửa hàng anh có khoảng 60 xe máy biển số đẹp, trong đó có một chiếc xe Honda SH biển 29-N1 999.99 được nhập vào hơn 1 tỉ đồng trước khi có quy định về định danh biển số. Hay vào tháng 4-2023, một chiếc xe Honda SH biển số 999.99 của TP.HCM được rao bán gần 4 tỉ đồng tại TP.HCM.

Anh Nguyễn Đình Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay hồi tháng 3-2024 anh có mua một xe máy mới để sử dụng và mong muốn có được biển số theo năm sinh. Tuy nhiên, do việc cấp biển số thực hiện ngẫu nhiên nên anh không thực hiện được. Do vậy, khi nghe tin đề xuất đấu giá biển số xe máy, anh rất ủng hộ và mong sớm thực hiện để có thể tham gia. Anh cho rằng với mức giá khởi điểm 5 triệu đồng sẽ phù hợp, nhiều người có thể tham gia.

Anh Hoàng Kiều Hưng (chủ kinh doanh biển đẹp ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng dự đoán nếu biển số xe máy được đưa lên sàn đấu giá chắc chắn sẽ "hot" hơn so với biển số ô tô, bởi số lượng biển nhiều hơn và mức giá hợp lý hơn.

Nếu hạ tầng, kỹ thuật chưa chuẩn bị tốt thì không nên vội vàng thực hiện mà nên có lộ trình thực hiện (đấu giá biển số xe máy) hay thí điểm ở một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM... trước khi thực hiện đại trà. Tất cả cần làm chắc chắn để đảm bảo hiệu quả, niềm tin.
Ông NGUYỄN VĂN THANH (nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam)
Cần chuẩn bị kỹ hạ tầng vì lượng biển số xe máy lớn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cần chuẩn bị kỹ hạ tầng vì lượng biển số xe máy lớn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lượng biển số xe máy rất lớn nên cần chuẩn bị kỹ hạ tầng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Phạm Công Nguyên, cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết việc đấu giá biển số xe máy là "rất cần thiết, có nhiều mặt tích cực". Bởi vậy, trong dự thảo Luật Trật tự giao thông đường bộ, ngoài việc đấu giá biển số ô tô, ban soạn thảo đã mở rộng đưa thêm nội dung đấu giá biển số xe máy.

"Việc đấu giá biển số xe máy còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế, giúp tăng ngân sách, nguồn thu cho Nhà nước. Đồng thời ngăn ngừa tiêu cực trong việc cấp biển số xe. Bên cạnh đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, lấy được biển số mà mình thích hoặc có được những biển số gắn với kỷ niệm, ngày sinh... của họ", thiếu tướng Nguyên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, bày tỏ nhất trí với đề xuất mở rộng đấu giá biển số xe máy, ô tô kinh doanh. Điều quan trọng nhất là Bộ Công an nên có tổng kết, đánh giá cụ thể, kỹ càng kết quả thực hiện việc đấu giá biển số ô tô. Từ đó giải trình thuyết phục với Quốc hội về lý do tại sao đẩy nhanh luật hóa, mở rộng đến xe máy. Thậm chí cần xem xét lấy ý kiến dư luận để cho thấy sự đồng tình ra sao.

Ông Thanh cũng phân tích: thực tế số lượng xe máy ở Việt Nam rất lớn nên khi mở rộng đấu giá thì số lượng biển số sẽ "khổng lồ", gấp rất nhiều lần so với biển ô tô vừa qua. Do vậy, Bộ Công an cần phải lường trước các vấn đề, tình huống có thể xảy ra như hệ thống đấu giá, phần mềm có trục trặc như từng xảy ra.

Bên cạnh đó, ông Thanh đề xuất do số lượng biển số xe máy rất lớn nên nếu được phép có thể xem xét không để một công ty thực hiện mà có nhiều công ty cùng tham gia thực hiện tổ chức đấu giá với hệ thống phần mềm, kỹ thuật đảm bảo hơn.

Với lo ngại về việc bỏ cọc, ông Thanh cho rằng cần có thêm biện pháp để ngăn như không nên quy định cứng mức cọc 5 triệu đồng hay 40 triệu đồng mà với các biển gọi là siêu VIP, siêu đẹp có thể cho phép nâng mức cọc đối với người tham gia. Việc mức cọc bao nhiêu cũng cần công khai, rõ ràng khi đưa số ra đấu giá.

TS Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho rằng nếu Quốc hội đồng ý mở rộng đấu giá biển số xe máy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trực tuyến để đấu giá biển số xe máy phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tốt hơn, khắc phục hạn chế từ đấu giá biển số ô tô.

Số lượng biển đấu giá cũng nên vừa phải, không nên đấu giá tất cả để tránh quá tải và giờ đấu, kết thúc đấu giá cũng cần quy định cụ thể hơn, giúp mọi người có nhu cầu có thể tham gia đấu giá. Cùng với đó, có quy định cụ thể hơn về các trường hợp có thể nảy sinh khi tham gia đấu giá mà bị nghẽn mạng thì giải quyết ra sao...

Không quá lo lắng việc bỏ cọc, vì sao?

Ông Ngô Trung Thành, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng với việc đấu giá biển số ô tô hay sau này nếu Quốc hội thông qua mở rộng với biển số xe máy cũng không nên quá lo lắng việc bỏ cọc. Bởi tính chất của biển số khác với những tài sản khác.

Chẳng hạn như với đất đai, khi thực hiện đấu giá nếu xảy ra việc bỏ cọc có thể gây ảnh hưởng đến các khu vực, nhà đầu tư, triển khai các dự án... Nhưng với biển số thì không hao hụt, vẫn nằm trong kho do Nhà nước quản lý.

Chưa kể sau này khi kinh tế phát triển, giá biển số có thể còn cao hơn giá đã trúng đấu giá trước đó. Bên cạnh đó, người bỏ cọc cũng sẽ bị mất khoản tiền cọc 5 triệu đồng với biển số xe máy theo dự kiến và số tiền này được thu vào ngân sách nhà nước.

TN (Tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đấu giá biển số xe máy: Thí điểm ở đô thị lớn trước khi áp dụng đại trà?