Để đi đến thống nhất cuối cùng về địa danh bến Bình Than và nơi họp hội nghị Bình Than chắc sẽ cần nhiều cuộc hội thảo, đánh giá của các nhà sử học.
Cây ruối cổ thụ tương truyền là nơi buộc ngựa của quan quân khi về họp hội nghị Bình Than tại thôn Trần Xá
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, có một hội nghị quân sự nổi tiếng do vua quan nhà Trần bàn kế sách chống giặc Nguyên Mông, đó là hội nghị Bình Than (1282). Tại hội nghị này, vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã trao quyền Quốc công Tiết chế cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Vậy bến Bình Than và địa danh diễn ra cuộc họp lịch sử này nằm ở đâu?
Ngược dòng lịch sử"Đại Việt Sử ký toàn thư" viết: “Mùa đông, tháng 10 (năm 1282), vua ngự ra Bình Than đóng ở vũng Trần Xá họp vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu”. Theo "Đồng Khánh dư địa chí", thì Bình Than là nơi hội tụ của 4 con sông: Thiên Đức, Nguyệt Đức, Nhật Đức và sông ở huyện Phượng Nhãn rồi chia thành hai nhánh mới, một nhánh chảy về phía nam làm thành Hàn Giang (sông Thái Bình), một nhánh chảy về phía đông làm thành sông Thủ Chân (sông Kinh Thầy) nên gọi là sông Lục Đầu.
Vậy vị trí nào là bến Bình Than? Sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" viết: “Bình Than là tên bến đò ở xã Trần Xá, huyện Chí Linh”. Tuy nhiên, theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, thì xã Cao Đức, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) hiện nay vẫn còn các làng Tiểu Than, Bình Than, bãi bồi giữa sông Lục Đầu gọi là Đại Than. Như vậy, bến Bình Than là một bến sông thuộc ngã ba sông Đuống với sông Lục Đầu, nay thuộc xã Cao Đức. Đối ngang với bến Bình Than chính là bến Nhạn Loan, một địa danh được xếp vào Chí Linh bát cổ. Vậy còn nơi họp hội nghị? Vào năm 1992, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học cho rằng, Hội nghị Bình Than đã diễn ra tại địa danh nằm trong tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, hội thảo này không đạt kết quả do hai huyện Gia Bình và Lương Tài (Bắc Ninh) đều không có địa danh Trần Xá. Ông Tăng Bá Hoành cho rằng, bến Bình Than thuộc hữu ngạn sông Lục Đầu, còn Vũng Trần Xá thuộc thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) nằm ở sông Kinh Thầy thuộc tả ngạn, cách bến Bình Than 3km. Theo "Đại Việt Sử ký toàn thư", vua ngự ra bến Bình Than rồi đậu thuyền ở vũng Trần Xá họp vương hầu bách quan. Khoảng nửa thế kỷ nay, ta quen gọi là Hội nghị Bình Than nhưng cứ liệu lịch sử lại minh chứng rằng hội nghị diễn ra ở vũng Trần Xá. Hội thảo khoa học “Hải Dương với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII” được tổ chức tháng 9-2011 vừa qua với sự có mặt của nhiều nhà khoa học, sử học đầu ngành như: Dương Trung Quốc, Nguyễn Hữu Tâm… đã kết luận nơi họp hội nghị Bình Than là vũng Trần Xá thuộc địa phận thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách).
Vũng Trần Xá được cho là nơi từng diễn ra Hội nghị Bình Than xưa
Dấu xưa còn lạiĐể thu thập thêm các cứ liệu về nơi đã diễn ra hội nghị Bình Than, chúng tôi đã tìm về xã Nam Hưng. Làng Trần Xá khá rộng, có khoảng 900 hộ dân nằm bám ngã ba sông Kinh Thầy, sông Phả Lại và sông Thái Bình. Với 24 ha đất bãi màu mỡ, 70% số hộ dân trong làng trồng dâu nuôi tằm. Chỗ sông Kinh Thầy chảy qua làng hoắm sâu tạo thành một vụng dài chừng 2km. Thôn Trần Xá còn hai cây ruối cổ, tương truyền là nơi buộc ngựa của quan quân khi về họp hội nghị trên sông. Anh Hoàng Văn Định, cán bộ văn hóa xã dẫn chúng tôi ra xem hai cây ruối và mời mấy bậc cao niên trò chuyện. Hai cây ruối cổ nằm ngay đầu làng, tán xòe rộng một vùng, thân xù xì, to hai người ôm. Một trong hai cây đã bị ruỗng ruột. Để tránh cây bị đổ, dân làng đã dựng một cột bê-tông đỡ. Ông Nguyễn Đăng Kiềm năm nay 85 tuổi cho biết: Từ lúc chúng tôi còn bé, hai cây ruối này đã có ở đây rồi. Hồi đó, mỗi ngày đi chăn trâu, chúng tôi vẫn trèo hái quả ăn. Nghe các cụ truyền lại, khi quan quân về họp hội nghị trên sông đã ở lại đình làng. Hai cây ruối này là nơi buộc ngựa. Thời trước nghe nói ở đây từng có một bãi ruối mọc hoang.
Cách hai gốc ruối chừng 3m, chúng tôi thấy một tấm bia đá cổ khắc chữ nho. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tấm bia đá này được dựng vào khoảng thế kỷ XVIII cho biết nhiều thế kỷ trước khu vực này từng là trường luyện tập võ nghệ. Cùng với hai cây ruối, tấm bia đá, trên đất Trần Xá còn có đống Cả, hai đống rồng con cũng gắn với lịch sử. Thời phong kiến, trên đống Cả từng có một đồn lính canh. Khi nhân dân lấy đất đắp đê đã phát hiện rất nhiều gạch cổ cùng nền móng.
Để đi đến thống nhất cuối cùng về địa danh bến Bình Than và nơi họp hội nghị Bình Than chắc sẽ cần nhiều cuộc hội thảo, đánh giá của các nhà sử học. Tất cả những việc làm đó đều nhằm mục đích tưởng nhớ tiền nhân, giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc ta.
NGUYÊN DÃBến Bình Than thuộc hữu ngạn sông Lục Đầu, còn vũng Trần Xá thuộc thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) nằm ở sông Kinh Thầy thuộc tả ngạn, cách bến Bình Than 3km. Theo "Đại Việt Sử ký toàn thư", vua ngự ra bến Bình Than rồi đậu thuyền ở vũng Trần Xá họp vương hầu bách quan. Khoảng nửa thế kỷ nay, ta quen gọi là Hội nghị Bình Than nhưng cứ liệu lịch sử lại minh chứng rằng hội nghị diễn ra ở vũng Trần Xá. |