Đình Lũy Dương ở làng Lũy Dương, xã Gia Lương (Gia Lộc) tọa lạc giữa nơi dân cư đông đúc.
Đình Lũy Dương được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2014
Ngôi đình cổ này được xây dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 18) với kiến trúc hình chữ Đinh mang đậm dấu tích của người Việt xưa.
Ông Ngô Công Sử trong Ban Khánh tiết đình cho biết, đình Lũy Dương ban đầu có quy mô nhỏ, đơn giản, mái lợp rạ, tường tre, vách đất và đã nhiều lần thay đổi hướng. Lần đầu tiên đình quay hướng tây nhưng rồi con gái trong làng lần lượt bị toét mắt, đời sống của người dân ngày càng khó khăn, cơ cực: “Làng Sồi toét mắt, bán vôi chợ Cờ”. Người ta bảo tại hướng đình không đẹp khi phía trước có một đống Ba Ngò và một dỏi đất hình tam giác (giống hình một cô gái) án ngữ. Thế là làng xoay hướng đình ngược lại ở phía sau (phía đông), nhìn ra giếng đình là nơi tụ thuỷ, tụ phúc (được ví như miệng con hoàng xà - rắn vàng), lại được trồng cây đa cổ thụ để tạo cảnh khẳng định đất thiêng và sau đó tạo một sân đình mới. Nhưng nửa dân làng phía ngoài mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, sinh sôi, giàu có, con gái xinh đẹp, nửa dân làng phía trong làm ăn nghèo khó, con gái bị toét mắt, phù chân. Làng lại họp bàn và quyết định thay đổi hướng đình lần thứ ba quay hướng nam, ngoảnh ra đồng nhìn lên một gò đất cao (nhân dân địa phương gọi là núi Bạc, nay khu vực này là đất ở của dân), rất phù hợp với tình hình chung vừa nhìn về núi chủ vừa để tôn vinh Thành hoàng làng là “thánh nhân nhìn về phương nam nghe thiên hạ tâu bày”.
Cùng với thời gian, đình Lũy Dương được dân làng trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang, to đẹp, tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng. Phía trước sân đình, cổng nghi môn là hai trụ biểu vuông thành sắc cạnh với hình lồng đèn đắp tứ linh ở trên cao và tượng nghê chầu ở gian giữa, hai gian bên có cửa phụ nhỏ. Trong sân đình có hai dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy ba gian, chất liệu bằng gỗ lim. Tiếp theo giải vũ là đình chính kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Phía sau là vườn với các loại cây ăn quả như vải, nhãn, hồng... Vào năm Kỷ Mão (1939), đình được trùng tu lớn và do hai hiệp thợ cùng làm. Đóng góp vào quá trình trùng tu này có sự tham gia của cả làng, người góp cột, góp xà, góp tiền, góp ruộng. Tại hai cột quân của gian hồi còn khắc tên những người cung tiến. Lần trùng tu này đã làm thay đổi bộ mặt của kiến trúc khi mang đậm phong cách thời Nguyễn, dấu vết thời hậu Lê chỉ còn lưu lại trên bốn chiếc đầu dư ở hai vì gian trung tâm.
Do khí hậu khắc nghiệt và sự tàn phá của bom đạn trong hai cuộc kháng chiến nên đình Lũy Dương bị hư hại nghiêm trọng. Năm 1947, Gia Lương bị thực dân Pháp chiếm đóng và càn quét dữ dội, sàn gỗ đình gian hồi phải được tháo dỡ làm thuyền chở dân làng chạy nạn qua sông Đồng Tràng. Năm 1948, di tích là địa điểm tập kết lực lượng của dân quân, du kích địa phương trước khi tiến đánh các đồn, bốt giặc và lễ mừng công của đơn vị bộ đội Tây Sơn (Gia Lộc) sau trận càn ở Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), đồng thời cũng là Trường cấp I xã Quốc Tuấn (nay là xã Gia Lương). Năm 1950, thực dân Pháp phá huỷ ba gian giải vũ phía tây với dã tâm đóng bốt, lập tề hòng đàn áp phong trào kháng chiến của địa phương. Trước khí thế đấu tranh anh dũng của quân và dân Gia Lương, chúng đã không thực hiện được âm mưu này. Năm 1960, đình được trưng dụng làm kho đựng thóc của Nhà nước và để tăng diện tích sử dụng, sàn gỗ gian hồi trái cũng được tháo dỡ. Năm 1964, ba gian giải vũ phía đông bị giải hạ. Năm 1974, ba gian hậu cung cũng được giải hạ lấy nguyên vật liệu làm sân kho của HTX và các công trình phúc lợi. Tất cả các sự kiện diễn ra tại đình Lũy Dương đã ghi nhận quá trình đấu tranh của nhân dân địa phương, là chứng tích lịch sử khẳng định giá trị của di tích, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Năm 1998, nhân dân địa phương khôi phục 3 gian hậu cung nối với gian trung tâm tòa đại bái tạo cho di tích có kiến trúc hình chữ “Đinh”. Và cũng trong năm này dân làng chuyển một số đồ thờ như ngai, khám, bát hương vào trong hậu cung tạo không khí thâm nghiêm nơi thờ tự.
Hiện nay, đình Lũy Dương được bao quanh bởi tường gạch, có giếng, ao và cây cổ thụ tạo cảnh quan. Cổng ngăn cách với đường thôn được xây bằng hai trụ gạch vuông. Tòa đại bái 5 gian dàn ngang bề thế, được giới hạn bởi hai hồi xây bít đốc quai chảo với những đường viền mềm mại. Chính giữa bờ nóc là bức phù điêu lưỡng phượng chầu mặt trời, hai đầu bờ nóc đắp nổi hai con kìm, bờ cánh được tạo thành những hình tam giác nhô cao nối tiếp, phía trên trang trí hoa văn chữ Triện. Phía trước hồi xây giật cấp để nối với cột trụ biểu ở hai bên. Trên cột trụ biểu có đắp hình con nghê quay đầu chầu vào nhau. Cửa vào gồm bốn bộ ở gian trung tâm và hai bộ ở gian bên. Thượng lương chia hoành thành hai bên, mỗi bên 9 dải. Tất cả sức nặng của gỗ, ngói đều dồn trên 14 cây cột, chia thành sáu hàng ngang theo mặt đình. Vì kèo gồm 6 bộ. Hai vì giữa có kết cấu kiểu “chồng rường”. Bộ vì này gồm ba con rường trên câu đầu nối hai cột cái, rồi đến đấu đỡ xà nóc, ở hai vì nách hai bên giữa cột cái và cột quân có bốn con rường chồng lên nhau có đấu kê đệm, ở đầu mỗi con rường đều chạm “lá hóa long” cách điệu. Khoảng cách từ xà nách tới con rường thứ nhất có diện tích lớn nhất, và để lấp khoảng trống này người nghệ nhân đã tạo ra các bức cốn nghệ thuật, đường nét mềm mại, bay bổng để trang trí với đề tài “lá hóa long”, nhưng chỉ chạm ở mặt trong. Phía dưới từ cột cái nhô ra bốn đầu dư chạm rồng ngậm ngọc theo lối chạm lộng, như nhoài người để đỡ câu đầu nhưng thực ra chỉ nhằm trang trí, mang đậm nét phong cách thời hậu Lê. Điều quan trọng là những chiếc đầu dư này còn có phần đuôi nữa nhô sang phía bên kia cột cái, chính là con rường thứ tư ở bên vì nách tạo thành một con rồng hoàn chỉnh, do đó nó luôn ở thế cân bằng ổn định trên đầu cột.
Hậu cung ba gian được nối với gian trung tâm tòa đại bái và ngăn cách bởi hệ thống cửa ván bưng, kiến trúc đơn giản gồm 4 bộ vì kiểu kèo cầu trụ báng và xây gạch cuốn vòm.
Theo bia thần tích “Ngọc phả bi ký” được khắc dựng vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 19 (1866), đình Lũy Dương thờ Thành hoàng làng có tên hiệu là Nương Cảm Quang Châu - Hoàng Thái Hậu cung phi công chúa, thời Tiền Lý (thế kỷ 6). Nương Cảm Quang Châu có công “âm phù” vua Trần Nhân Tông lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh giặc Nguyên, đem lại thái bình cho đất nước vào thế kỷ 13, được phong: “Chi dung, trinh thục, trang nghiêm, phương phi, yểu điệu”.
Để phát huy giá trị của di tích, hằng năm, tại đình Lũy Dương dân làng tổ chức lễ hội truyền thống vào tháng 11 âm lịch để bày tỏ lòng tri ân công đức đối với các vị tiền nhân được thờ phụng. Trong lễ hội, ngoài nghi thức rước, tế, lễ, địa phương còn tổ chức hát chèo, chọi gà, bắt vịt...
Ngày 25-1-2014, đình Lũy Dương được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
ĐẶNG THU THƠM