Nghiên cứu phát hiện ở một số vùng của Trung Quốc, nhiều phụ nữ được đặt tên là Zhaodi (chiêu dụ em trai) xuất phát từ "cơn khát" con trai của gia đình.
Nhà nghiên cứu Ren Xiao Peng và cộng sự ở Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, cứ một triệu người có 47,4 phụ nữ được đặt tên này.
"Cái tên Zhaodi phản ánh sở thích của cha mẹ đối với con trai, phổ biến hơn ở những khu vực có văn hóa gia tộc mạnh mẽ", Ren Xiao Peng nói.
Dù vậy vẫn có sự khác biệt đáng kể giữ các tỉnh thành trong việc sử dụng tên Zhaodi cho con gái.
Trong số 18 khu vực cấp tỉnh và thành phố được phân tích, Tứ Xuyên và Trùng Khánh có tỷ lệ thấp hơn một số tỉnh nằm ở phía Đông và phía Nam Trung Quốc như Phúc Kiến hay Quảng Đông. Giang Tây có tỷ lệ cao nhất, với 537 phụ nữ tên Zhaodi trên một triệu người, gấp 268,5 lần so với Trùng Khánh - khu vực có tỷ lệ thấp nhất là hai trên một triệu người.
"Văn hóa gia tộc đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Quốc. Nó nhấn mạnh các đặc điểm của gia đình bên nội và duy trì sức mạnh ràng buộc thông qua một loạt các chuẩn mực xã hội và sự sắp xếp thể chế", bài nghiên cứu mới công bố đầu tháng 3 nêu rõ.
Dù vậy, sau khi bộ luật dân sự mới được áp dụng vào năm 2021, những người mang tên Zhaodi hoặc mang ý nghĩa tương tự như Laidi - Lai Đệ (em trai đến), Pandi - Phiến Đệ (mong ngóng em trai) và Mengdi - Mộng Đệ (em trai trong mơ) đã bắt đầu tự thay tên đổi họ như cách tháo bỏ ràng buộc và áp đặt từ gia đình.
Theo ông Ren, những chuẩn mực xã hội gắn liền với văn hóa gia tộc có thể ảnh hưởng đến sở thích giới tính của cha mẹ.
"Từ góc nhìn của dòng tộc, một số phong tục chỉ có thể được thực hiện bởi con trai. Văn hóa này càng phát triển thì mong muốn có con trai càng trở nên mạnh mẽ", vị chuyên gia nói. Ông quan sát thấy, sở thích con trai của cha mẹ đặc biệt rõ rệt ở những khu vực có truyền thống gia tộc phát triển, nơi đàn ông mới được phép kế tục dòng dõi gia đình, tham gia vào các nghi lễ quan trọng hay được ghi tên trong gia phả.
Ở Trung Quốc, cái tên đóng vai trò như một định danh xã hội, có thể ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của một cá nhân. Mặc dù ý nghĩa đằng sau hầu hết tên gọi tiếng Trung cần được giải thích vì mang nhiều tầng ý nghĩa, nhưng ý định đằng sau những cái tên như Zhaodi lại quá rõ ràng, bởi nghe một lần là hiểu.
"Những phụ nữ tên Zhaoi liên tục phải nghe gia đình thể hiện mong muốn có con trai từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Từ cái tên mang tính chất cá nhân, lại chuyển thành sự gửi gắm khát vọng khiến họ cảm thấy không thoải mái, thậm chí còn thất vọng bởi sự tồn tại của mình", Ren nói. Dù vậy nghiên cứu cũng chưa có kết luận về tác động tâm lý bởi những người mang cái tên này.
T.H (theo VnExpress)