Góc nhìn

Đặt tên các xã mới sau sáp nhập-học gì từ tiền nhân?

NGUYỄN ĐÌNH SƠN 19/10/2023 07:12

Việc lựa chọn, xác định tên gọi của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải có ý nghĩa, phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương.

anh-chi-minhcb2b210b04fcb5764835c47ab25d1c17.jpg
Trụ sở UBND xã Chí Minh, Tứ Kỳ (ảnh tư liệu)

Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Hải Dương đang triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch trên vào tháng 8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh về tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã mới "lưu ý lựa chọn, xác định tên gọi của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải có ý nghĩa, phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương, ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc tên gọi đã được sử dụng trong lịch sử hình thành, phát triển của đơn vị hành chính". Với tinh thần “ôn cố nhi tri tân”, chúng ta cùng tìm hiểu xem người xưa khi hợp nhất các xã đã đặt tên như thế nào.

Trong thời kì phong kiến trước năm 1945 thường phổ biến việc tách xã mà hiếm khi xảy ra việc nhập các xã. Tuy nhiên, vào cuối thế kỉ XIX cũng có một số trường hợp nhập xã hiếm hoi, như xã Cấm Quan nhập với xã Bão Lộc thành xã mới Quan Lộc, hay như việc tách các thôn Bích Lâm, Cẩm Mặc ra khỏi xã Mặc Xá để thành xã mới là Bích Cẩm (cùng huyện Tứ Kỳ). Ở hai trường hợp trên thì tên xã mới đều được định danh bằng cách ghép các chữ đại diện ở cả 2 làng xã cũ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, việc nhập các xã cũ thành xã mới diễn ra rầm rộ trong cả nước, gồm cả Hải Dương. Đồng thời việc đặt tên các xã mới từ việc sáp nhập các xã cũ cũng được thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Bên cạnh việc lấy tên các nhân vật lịch sử dân tộc trước kia hoặc đương đại như: Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo, Triệu Quang Phục, Nguyễn Văn Tố… để đặt tên cho xã mới thì cũng có địa phương lấy chính tên danh nhân của làng xã mình để đặt như các xã Đoàn Thượng, Phạm Trấn, Yết Kiêu, Thống Kênh (Gia Lộc), Phạm Kha (Thanh Miện)… Một số xã mới được đặt tên từ việc ghi tổng số xã cũ để lập ra xã mới như xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) được thành lập từ 5 xã cũ; xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) được thành lập từ 3 xã cũ có chữ “Xuyên”: Kim Xuyên, Gia Xuyên, Quảng Xuyên và xã Ngưu Uyên. Cũng có tên xã mới được thành lập từ việc ghép 2 chữ đại diện ở tên các xã cũ như xã Quảng Bí với An Nghiệp thành xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ)…

Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hải Dương đã sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 25 đơn vị mới. Việc đặt tên các xã trong giai đoạn này cũng khá đa dạng, như xã Vĩnh Tuy và Hưng Thịnh (Bình Giang) nhập thành xã Vĩnh Hưng; các xã Trùng Khánh, Gia Hòa, Yết Kiêu (Gia Lộc) nhập thành xã mới Yết Kiêu; các xã Kim Khê, Kim Lương (Kim Thành) nhập thành xã Kim Liên. Ở huyện Tứ Kỳ, xã mới Chí Minh được hình thành từ việc nhập 3 xã: Đông Kỳ, Tây Kỳ và Tứ Xuyên, tên xã mới này là tên của các xã đó từng sáp nhập trong lịch sử.

Giai đoạn 2023 – 2025, Hải Dương đề ra mục tiêu sắp xếp 60 xã. Vận dụng định hướng của tỉnh, huyện Tứ Kỳ dự kiến sáp nhập các xã Dân Chủ với Quảng Nghiệp, Tái Sơn với Ngọc Kỳ… Xã Dân Chủ trước năm 1945 vốn là 3 xã cùng có chữ “Kỳ” là: La Xá Kỳ, Cao La Kỳ, An Lại Kỳ; xã Quảng Nghiệp vốn có tên là An Nghiệp, vì vậy tên xã mới sau khi sáp nhập các xã này có thể là Kỳ An, vừa bảo đảm giữ được tính lịch sử, truyền thống, vừa có ý nghĩa đẹp là lễ cầu an.

Tương tự, xã Tái Sơn được thành lập từ 2 xã có chữ “Tái” là Ngọc Tái và Thiết Tái, nên khi sáp nhập với xã Ngọc Kỳ có thể gọi là Tái Ngọc hoặc tối ưu hơn là lấy tên Ngọc Kỳ, không nên gọi ngược lại là Ngọc Tái vì nó sẽ nhầm với một phần của xã Tái Sơn. Trong giai đoạn sau, dự kiến nhập xã Quang Phục với xã Bình Lãng thì để bảo đảm giữ tính lịch sử, có thể giữ tên xã mới là Bình Lãng bởi cái tên “xã Quang Phục” mới ra đời từ năm 1947, trong khi cái tên “xã Bình Lãng” đã có lịch sử ít nhất gần 500 năm…

NGUYỄN ĐÌNH SƠN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặt tên các xã mới sau sáp nhập-học gì từ tiền nhân?