Tư vấn

Đất bán qua nhiều đời chủ, nay người trong gia đình chủ cũ kiện đòi đất, phải làm sao?

ST 28/09/2023 14:28

Hỏi: Tôi mua một miếng đất. Miếng này đã mua bán qua lại 2-3 người mới đến tôi. Sau khi mua, tôi sang tên và bán cho người khác. Người mua của tôi cũng đã bán cho người khác. Gần đây, một người trong gia đình chủ cũ đầu tiên khởi kiện đòi đất. Vậy tôi có bị ảnh hưởng gì không?

Hoàng Đức ( Hải Dương)

Trả lời : Theo nội dung bạn trình bày, miếng đất bạn nhận chuyển nhượng đã được mua đi bán lại rất nhiều lần, qua nhiều chủ sử dụng khác nhau. Đến khi bạn mua, bạn đã thực hiện đăng ký sang tên đầy đủ cho mình là phù hợp điều 503 Bộ luật Dân sự năm 2015 "Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định pháp luật".

Do đó, bạn có toàn quyền để chuyển nhượng lại miếng đất cho người khác.

Nay, người trong gia đình của chủ đất đầu tiên khởi kiện đòi lại đất. Tùy theo nội dung yêu cầu khởi kiện mà tòa án xem xét có thể đưa bạn vào tham gia vụ kiện với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không.

Tuy nhiên, việc mua bán miếng đất này đã qua nhiều chủ, bạn đã thực hiện việc chuyển nhượng và đăng ký đúng quy định pháp luật, bạn cũng tin rằng các giao dịch diễn ra trước khi bạn mua cũng đúng quy định pháp luật thì việc chiếm hữu miếng đất này của bạn là phù hợp theo điều 180 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định về chiếm hữu ngay tình là "việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu".

Luật không quy định về khái niệm người thứ ba ngay tình nhưng theo diễn giải của từ điển luật học, có thể hiểu một cách chung nhất về người thứ ba ngay tình là người đang chiếm hữu tài sản ngay tình, nghĩa là người đó có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu vì không biết và không buộc phải biết rằng người đã thực hiện giao dịch với mình không có quyền chuyển giao đối với tài sản giao dịch.

Người này hoàn toàn trung thực, ngay thẳng khi tham gia vào giao dịch đó.

Do đó, trường hợp giao dịch của những người trong gia đình chủ đất đầu tiên có vô hiệu thì bạn là người thứ ba ngay tình, vẫn có thể được bảo vệ theo quy định pháp luật dân sự, cụ thể là:

Điều 133: Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu:

Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

ST
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất bán qua nhiều đời chủ, nay người trong gia đình chủ cũ kiện đòi đất, phải làm sao?