Đình Giống ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) thờ Thành hoàng làng là Nguyễn Gia Lộc, có công giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII.
Mặt chính đình Giống
Sự tích về Thành hoàng làng
Theo thần tích, thần sắc lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội, Nguyễn Gia Lộc sinh ngày 1 tháng giêng năm 1234. Ông thông minh, nhanh nhẹn, thấu hiểu giáo lý, rất cương trực và nghiêm khắc với bản thân. Thời niên thiếu, thấy giặc Nguyên Mông tàn bạo, ông nuôi chí căm hờn, thường trầm tư mặc tưởng, muốn làm sự nghiệp như anh hùng, hào kiệt xưa, quyết chí nói rằng: “Ta muốn lập công danh vĩ tích nổi tiếng châu quận sau này, vì thế mà nay không yếu hèn, quyết trừ bọn giặc Nguyên Mông, nguyện vì thúc đẩy sự nghiệp”. Ông đã tập hợp thanh niên trong làng luyện võ nghệ. Khi thời cơ đến, ông theo Trần Hưng Đạo và được giao chỉ huy đội quân trấn giữ phía đông là huyện Bình Hà, phía bắc là Bạch Đằng, đắp thành đất bảo vệ một vùng xung yếu.
Với khí thế hào hùng, ông cầm quân đánh giặc lập nhiều chiến công lớn, được vua ra chiếu thư phong công trạng. Tuy nhiên, ông đã khước từ, nói rằng: “Sự mưu tính của vua đúng là cao như trời, thần nguyện làm dân đời đời của nhà vua, quý con đường làng, kính trọng đế vương cốt thuần hậu thành kính, thần không dám kiêu căng, được phần thưởng việc ấy xin nhận chiếu về sau. Thần hoàn thành nghĩa vụ, xin về làng quê, chuyên dạy dân...”. Tấm lòng của ông được vua hết lòng khen ngợi. Sau khi mất, vua thương tiếc và tặng ông chức Hành khiển, phong “Phúc thần Gia Lộc tôn thần, tối linh ứng”. Đến thời Lê Thái Tổ bình xong giặc Minh, gia phong “Uy linh minh mô phù quốc an dân xung hóa phổ hộ Gia Lộc tôn thần”. Thời vua Lê Thánh Tông gia phong “Chính trực anh linh hiển đức khoát đạt từ tường phổ tế phù tương hiển liệt Gia Lộc tôn thần”.
Tương truyền, vào năm 1527, khi Mạc Đăng Dung đoạt ngôi triều Lê, ông đã hiển linh âm phù giúp nhà Lê dẹp nhà Mạc thắng lợi nên được gia phong “Hoành bắc, chiêu linh, dũng cảm, thí nhân, phát chính dực thánh, khuông tộ, dương hưu, diên huống minh trí, cảm ứng phù hựu, Gia Lộc tôn Thần”. Đến thời Nguyễn, 5 lần được ban sắc phong vào các năm: Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924). Hiện các sắc phong này đều đã bị mất.
Bài trí thờ tự gian trung tâm đình Giống
Lịch sử ngôi đình
Theo các cụ cao niên trong làng, ngôi đình được khởi dựng từ khá sớm. Đến thời Nguyễn trùng tu lại theo kiến trúc chữ Nhị gồm 5 gian đại bái và 5 gian hậu cung chất liệu bằng gỗ tứ thiết. Năm 1948, theo lệnh của Tổng bộ Việt Minh, đình hạ giải để phục vụ cho mục đích tiêu thổ kháng chiến. Năm 1957, đất của khu đình dùng để xây trường tiểu học phục vụ nhu cầu học tập cho con em trong xã. Đến năm 2011, ngôi đình được xây dựng lại trên nền đất mới để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Đình Giống tọa lạc trên khu đất cao ráo, phía trước có hồ bán nguyệt, quanh năm nước xanh trong mát, xung quanh là cánh đồng làng tạo nên không gian yên tĩnh.
Hiện đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung. Tòa đại bái dài 17.98 m, rộng 7.79 m gồm 6 vì kèo liên kết với nhau theo kiểu con chồng giá chiêng, trang trí đề tài lá lật kênh bong. Ngoại thất trang trí đề án lưỡng long chầu nhật, các đầu đao đắp nổi rồng chầu phượng mớn. Tòa hậu cung dài 8.28 m, rộng 7.9 m trang trí giống tòa đại bái. Hiện di tích còn lưu giữ một số cổ vật thời Nguyễn như hòm sắc, 2 thanh kiếm gỗ và 6 bia đá.
Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức các hoạt động để tưởng nhớ đến Thành hoàng như ngày sinh 1 tháng giêng, ngày hóa 12 tháng 3 âm lịch; thượng điền, hạ điền, ngày sóc, vọng... đều có tế lễ. Trong đó, lễ hội chính được tổ chức vào tháng 2 âm lịch diễn ra trong 5 ngày, ngày 12 là trọng hội. Lễ hội gồm có rước kiệu, tế lễ cùng các chò trơi dân gian như đấu vật, đánh cờ người, đập niêu, bắt dê... Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lễ hội không được tổ chức.
NGUYỄN HẠNH