Du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn mới “manh nha” gần đây gắn với du lịch sinh thái, trong đó nổi lên là bản du lịch cộng đồng tại xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn).
Đến với thảo nguyên xanh
Đưa khách vào khu thảo nguyên Đồng Lâm, anh xe ôm người địa phương Lèo Văn Thảm kể đã làm nghề này khoảng 7 năm nay. Từ tháng 4 đến tháng 9/2023, khu thảo nguyên này ngập nước do các dòng suối đổ vào, biến khu này như một cái đầm, hồ nước mênh mông. Từ tháng 9 trở đi, nước rút xuống qua các hố, hõm gần chân núi đá. Khi nước rút, từ cuối tháng 9 đến tháng 3 năm sau, khu vực này hình thành thảo nguyên xanh.
“Lúc đầu chỉ có dân phượt đi xe máy đến khám phá thiên nhiên, cắm trại rồi vào bản thuê nghỉ. Nắm bắt nhu cầu đó, em gái tôi là Lèo Thị Thim mở homestay Rừng Xanh cho khách nghỉ trọ. Tôi làm dịch vụ đưa đón khách từ chỗ nghỉ vào khu thảo nguyên. Nhờ có khách, nên chạy xe ôm đều hơn, thu nhập khá hơn. Mỗi lượt đi thế này giá 80.000 đồng...”, anh Thảm chia sẻ.
Còn chủ homestay Rừng Xanh Lèo Thị Thím, một trong những hộ đầu tiên làm dịch vụ lưu trú tại bản Đoàn Kết cho biết: “Lúc đầu làm dịch vụ này, hàng xóm xung quanh cũng không ủng hộ, vứt rác ra trước cửa nhà, vệ sinh môi trường chưa được tốt. Tuy nhiên, khách đến đây thường mua hàng nông sản của người dân xung quanh, thấy lợi ích và được chính quyền vận động, nên cảnh quan môi trường mới được cải thiện”.
Còn anh Hoàng Vũ, Bí thư đoàn xã Hữu Liên, đồng thời cũng là chủ homestay Sơn Thủy kể lại: “Năm 2018, tôi có tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp về 'Bảo tồn loài tắc kè núi đá Hữu Liên' và đạt giải Nhì của Tỉnh Đoàn Lạng Sơn. Sau đó, tôi được chọn tham gia chương trình 'Tôi yêu Tổ quốc tôi' của Trung ương Đoàn tại tỉnh Thừa Thiên Huế với dự án xây dựng khu du lịch cộng đồng Hữu Liên. Lúc đó, tôi và cả nhóm tham gia, xây dựng ý tưởng dựa trên thực tế một vài nhà mới làm du lịch của xã. Từ ý tưởng này, tôi đầu tư xây dựng homestay tại gia đình”.
“Đầu tư gần 2 tỷ đồng và đưa vào vận hành homestay từ đầu năm 2021, nên vừa làm vừa lo bởi đúng giai đoạn dịch COVID-19. Sau khi bước vào giai đoạn kinh tế phục hồi, du lịch nội địa phát triển, trong đó nhiều đoàn khách đến thảo nguyên Đồng Lâm và vùng phụ cận, điểm lưu trú cũng đông khách hơn. Hiện, homestay của tôi, khách tập trung vào cuối tuần, trung bình đón khoảng 30 - 40 khách/tuần. Từ ý tưởng dự án khởi nghiệp đến thực tế như hiện nay là khoảng cách dài. Dù vẫn còn bộn bề khó khăn, nhưng ước mơ đã thành hiện thực. Tôi vẫn mong muốn cùng với phát triển du lịch là tiêu thụ nông sản, đặc sản và quảng bá văn hoá địa phương. Tôi vẫn đang mày mò cách làm để sao cho đạt hiệu quả và đáp ứng đúng nhu cầu của khách”, anh Hoàng Vũ chia sẻ.
Ông Hoàng Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên cho biết: Du lịch cộng đồng hình thành tại xã hình thành từ năm 2017 khi du lịch đến nhiều thảo nguyên Đồng Lâm gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên. Nhận thấy tiềm năng phát triển, xã Hữu Liên ban hành riêng Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, trong đó hình thành riêng bãi xe tại bản Đoàn Kết, vận động người dân bảo tồn ngôi nhà truyền thống, tạo cảnh quan, giữ vệ sinh môi trường…. Hiện, có 18 nhà làm dịch vụ lưu trú homestay. Lượng khách bình quân qua các năm tại điểm du lịch cộng đồng đạt trên 3.000 lượt khách lưu trú (năm 2018 - 2019). Năm 2020, năm 2021, lượng khách giảm đi hơn 60% do diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19. Năm 2022, khách đến điểm du lịch Hữu Liên đạt khoảng 15.000 lượt khách lưu trú. Trong 9 tháng đầu năm nay, xã đã thu hút 35.000 lượt khách, trong đó có 10.000 khách lưu trú, doanh thu từ du lịch hơn 10 tỷ đồng.
“Có thể thấy du lịch đang tạo ra sự thay đổi về cơ cấu kinh tế của xã, tăng thêm thu nhập cho người dân. Ý thức làm du lịch cộng đồng thay đổi. Trong đó giảm tình trạng “đố kị”, chuyển sang hợp tác giữa vệ sinh môi trường, tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương… Để làm được du lịch cộng đồng như ngày hôm nay là cả quá trình, trong đó có cả việc đảng viên, cán bộ đoàn nêu gương làm theo kiểu cầm tay chỉ việc”, ông Hiếu chia sẻ.
Tạo sức hút từ bản sắc văn hoá bản địa
Bà Hoàng Thị Mai , Giám đốc Công ty du lịch Khám phá Châu Á cho biết: “Với lợi thế chỉ Hà Nội 120 km, Hữu Liên đang thu hút khách nội địa, chủ yếu là đi theo mô hình gia đình, nhóm bạn. Tuy nhiên, điểm du lịch này có thể mở rộng thu hút khách quốc tế. Muốn nhắm tới thị trường này, quan trọng là hình thành điểm du lịch liên kết với các tuyến điểm kết nối từ Hữu Liên đi Bắc Kạn hoặc Cao Bằng. Bên cạnh đó, để phát triển du lịch, thì địa phương cũng phải quy hoạch lại giữa phát triển và khai thác đá. Thực tế, việc khai thác đá tại đầu điểm vào xã Hữu Liên đang gây mất mỹ quan”.
Còn ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Avitour cho rằng: “Thông tin về địa danh này còn quá ít. Hầu hết khách đến Hữu Liên là khách tự đi. Do đó, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, có thể lập fanpage trên mạng xã hội để tăng tương tác và có thông tin cụ thể về dịch vụ. Bên cạnh đó, khi phát triển du lịch cộng đồng, quan trọng nhất là giữ được văn hoá bản địa. Tại các điểm du lịch cộng đồng từ cách bài trí, đến ăn mặc để du khách nhận biết được nét đặc trưng văn hoá dân tộc Nùng, Tày”.
Trong khi đó, ông Đậu Xuân Thuận, CEO Ztrend Travel cho rằng: “Muốn thu hút các đoàn khách, cần có sự liên kết các hộ và có sự thống nhất về giá cho các lữ hành cả năm để họ đưa vào chương trình tour. Chính quyền có thể tạo group giữa các hộ kinh doanh dịch vụ homestay để hỗ trợ nhau và thông báo về tình trạng phòng, chia sẻ hỗ trợ nhau đón khách”.
Từ góc độ đơn vị tư vấn hình thành điểm du lịch cộng đồng, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Liên chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: “Hữu Liên là một trong 2 điểm du lịch cộng đồng đang xây dựng theo tiêu chuẩn Asean. Đến nay, các tiêu chuẩn đáp ứng được khoảng 80%. Quan trọng nhất là việc các hộ dân giữ được bản sắc dân tộc và khai thác các giá trị đó phục vụ du lịch. Đồng thời, các lợi ích từ việc phát triển du lịch cộng đồng được chia sẻ và người dân trong bản được hưởng lợi”.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết: Tỉnh Lạng Sơn xác định xây dựng 2 làng du lịch cộng đồng tại xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) và xã Bắc Quỳnh (huyện Bắc Sơn) đạt tiêu chuẩn Asean. Trong đó, du lịch cộng đồng tại xã Hữu Liên bắt đầu được khai thác từ năm 2017, nhưng khách đến chưa nhiều. Do đó, cần có có sự liên kết với các đơn vị làm du lịch từ Hà Nội và trong cả nước. Trong quá trình phát triển, điểm du lịch đang từng bước được quy hoạch, xây dựng các tiêu chuẩn dịch vụ cộng đồng, đồng thời giữ được bản sắc văn hoá. Trong đó, tiên phong trong lĩnh vực này phải từ cán bộ lãnh đạo xã.
Theo báo Tin tức