Không biết lời hứa của Hải bao giờ mới thành sự thật và lúc ấy liệu gia đình anh còn có thể trở lại thành một gia đình hạnh phúc?
Hải đi làm về đã 11 giờ tối mà Xuân vẫn ngồi trên ghế xem điện thoại. Nhà cửa bừa bộn, quần áo vứt tứ tung. Hai đứa trẻ nằm gác lên nhau trên giường ngủ. Xuân chỉ ngẩng mặt hỏi Hải một câu: "Anh đã về à" rồi lại cắm vào điện thoại. Hải nhăn mặt thở dài, không nói câu nào, lẳng lặng vào bếp tìm thức ăn. Nhưng tìm đến gói mì tôm cũng không còn. Đã nhiều lần Hải nhắc nhở vợ, lúc anh chưa đi làm về thì chịu khó nấu nướng cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa đi ngủ sớm cho đỡ mệt, chứ không cần ngồi đợi anh làm gì. Xuân chỉ ngang bướng bảo là không ngủ được. Cô còn bảo anh đi về muộn thế thì ăn ở ngoài cho đỡ phải nấu nướng mệt người mà lại tốn kém.
Lúc đầu Hải cũng giận Xuân lắm, vì phụ nữ ở nhà nội trợ, trông con thì cũng nên chỉn chu, chịu khó dọn dẹp cho nhà cửa gọn gàng, để chồng yên tâm làm kinh tế. Nhưng nghe Hải nói vậy, Xuân cãi, bảo ở nhà trông con áp lực lắm, Hải có giỏi thì ở nhà trông con để vợ đi làm. Cô còn kể có nhiều vụ vợ ở nhà trông con mà bị trầm cảm rồi tự tử, thậm chí làm hại cả con kia kìa. Sự thật thì đã có lần Hải không kiềm chế được nữa, nóng giận mà mắng, tát vợ. Xuân gào khóc giữa đêm, đập đầu vào tường đòi tự tử. Hải hoảng sợ đưa vợ đi cấp cứu. Từ lần ấy, biết tính vợ ngang bướng, Hải đành nhịn, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, cho các con có tổ ấm.
Khi đứa con thứ hai lớn hơn một chút, Hải bàn với Xuân cho đi gửi trẻ để vợ có thời gian đi làm. Nhưng đã mấy năm kể từ ngày lấy chồng, Xuân chỉ quen ở nhà nên đã trở nên trì trệ, cô không muốn đi làm vì sợ gò bó về thời gian. Hải lại bàn với vợ mở cửa hàng tạp hóa hay bán quần áo cũng được, như thế mình tự làm chủ cũng bớt phụ thuộc. Nhưng Xuân lại đưa ra lý do ngại va chạm với mọi người để từ chối. Thấy vợ thế này cũng không được, thế kia cũng không xong... Hải lại mất kiềm chế mà nổi nóng. Kết quả, Xuân ôm hai đứa con về nhà mẹ đẻ ở. Hải đành lắc đầu ngán ngẩm vì thật ra tính ỷ lại của Xuân cũng một phần do được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ, không để cho cô động vào bất cứ việc gì. Sau lần ấy, hễ vợ chồng có việc gì không thuận, Xuân lại ôm con về nhà mẹ... Chuyện dần dần trở nên như cơm bữa, Hải cũng không còn tâm trạng mà níu kéo hàn gắn nữa.
Nỗi thất vọng về vợ, về cuộc sống gia đình đã khiến Hải rơi vào trạng thái vô cảm và bất cần. Những hôm vợ dỗi mang con đi, Hải chẳng còn tha thiết làm ăn gì mà lao vào những cuộc vui cùng bạn bè. Cứ thế, Hải lún sâu vào con đường chơi bời, bài bạc, rồi nợ nần. Để trả nợ, Hải đã bán tất cả những thứ có giá trị trong nhà. Để giữ gia đình, Xuân đã vay mượn bên ngoại rất nhiều tiền trả nợ cho chồng.
Kinh tế kiệt quệ, nợ nần chồng chất, hạnh phúc của gia đình Hải dần đi vào ngõ cụt. Hai vợ chồng đổ lỗi cho nhau mà không chịu ngồi lại bàn bạc, tìm hướng giải quyết. Chuyện vợ chồng cãi vã, đánh đập xảy ra như cơm bữa. Cùng với đó là tiếng la khóc của người lớn và trẻ con. Những đứa trẻ mỗi lần thấy bố mẹ nóng giận là lại khóc vang nhà. Đã nhiều lần lá đơn ly hôn được viết ra, rồi lại vò đi trong day dứt vì vẫn còn đó 2 đứa trẻ kháu khỉnh, tội nghiệp.
Nhưng trong ngôi nhà không còn tiếng cười ấy, hạnh phúc không thể níu kéo được nữa. Chưa muốn các con phải chia lìa nên Hải quyết định đi làm ăn xa. Ngày chồng ra đi, Xuân cũng không níu kéo mà cô cũng dọn đồ đạc về nhà mẹ đẻ sống. Hải tự hứa với lòng mình nếu không làm ăn khấm khá, anh sẽ không quay trở về.
Không biết lời hứa của Hải bao giờ mới thành sự thật và lúc ấy liệu gia đình liệu có hạnh phúc trở lại? Chỉ biết rằng giờ đây, Hải và Xuân đã đánh rơi hạnh phúc của chính mình vì mỗi người không chịu thấu hiểu và bớt đi cái tôi trong cuộc sống gia đình.
NGỌC THANH