Góc nhìn

Đánh giá thực chất sự hài lòng của người dân

TRANG NGÂN 04/01/2024 07:30

Kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức được sử dụng để xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

danh-gia-hai-long.jpg
Công chức xã Quang Khải (Tứ Kỳ) hướng dẫn người dân quy trình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến (ảnh minh họa)

Hải Dương đang triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Tỉnh sẽ thực hiện điều tra xã hội học để xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo kế hoạch, sẽ có 2.115 phiếu điều tra, trong đó 735 phiếu đánh giá đối với 18 sở, ban, ngành; 840 phiếu đánh giá 12 UBND cấp huyện và 540 phiếu đối với 36 UBND cấp xã (mỗi UBND cấp huyện thực hiện điều tra 3 đơn vị cấp xã được chọn).

Việc xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, UBND cấp huyện nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và người dân đối với cải cách hành chính nói chung, đánh giá kết quả cải cách hành chính đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng.

Việc điều tra đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh là cơ hội để người dân tham gia vào quá trình ra quyết định của bộ máy hành chính nhà nước, tăng cường sự giám sát của người dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Qua đây cũng đánh giá khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước.

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng cải cách hành chính, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chỉ thị về cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện 7 nội dung về cải cách hành chính. Qua đó, chất lượng cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Một số mục tiêu trong năm 2023 chưa đạt như kỳ vọng như tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có nghĩa vụ tài chính. Kết quả số hóa hồ sơ thủ tục hành chính đạt cao (trên 99%) nhưng tỷ lệ tái sử dụng kết quả còn thấp. Tình trạng chậm công bố thủ tục hành chính của một số sở, ngành làm ảnh hưởng đến việc công bố công khai của tỉnh. Tại nhiều đơn vị, địa phương, tình trạng hồ sơ, thủ tục hành chính quá hạn vẫn còn không ít. Tình trạng người dân không tự thực hiện được các thủ tục hành chính, phải nhờ cán bộ làm thay khá nhiều...

Kết quả điều tra xã hội học đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong năm 2022 đối với các sở, ngành, mức độ hài lòng đạt trung bình từ 79-85% tổng số phiếu phát ra, thu về; đối với UBND cấp huyện đạt từ 74- 87%. Tỷ lệ này tuy đã tăng so với những năm trước nhưng chưa cao. Một số đơn vị, địa phương thiếu tính ổn định về mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân.

Kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức được sử dụng để đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Vì vậy, để kết quả đánh giá phản ánh đúng thực chất chất lượng cải cách hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chủ trì phối hợp thực hiện khảo sát đánh giá cần khách quan trong việc lựa chọn danh sách người lấy phiếu khảo sát. Giám sát chặt chẽ các cơ quan, đơn vị được thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức. Quá trình tổng hợp, xử lý số liệu sau điều tra, đánh giá cần công khai, minh bạch. Mỗi cá nhân, tổ chức khi được lấy phiếu khảo sát, đánh giá đo lường sự hài lòng cần công tâm trong, tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị, địa phương, tránh chủ quan, cảm tính, hăng hái tham gia đánh giá...

TRANG NGÂN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh giá thực chất sự hài lòng của người dân