Với hy vọng đến được miền đất hứa, nhiều người đã tìm cách kết hôn giả để đạt được mục đích. Hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Tháng 5.2019, cộng đồng người Việt ở Mỹ rúng động khi cảnh sát thông báo triệt phá đường dây kết hôn giả do một phụ nữ Việt cầm đầu với gần 100 người bị bắt tại thành phố Houston, tiểu bang Texas. Đây là vấn nạn đã diễn ra khá lâu với nhiều người Việt, nay lần đầu tiên bị phát hiện và xử lý ở quy mô lớn.
Mới đây, dư luận lại đang xôn xao trước thông tin một ca sỹ khá nổi tiếng trong nước vừa bị người vợ ở nước ngoài hơn mình tới hàng chục tuổi nộp đơn ly hôn. Chưa biết thực hư câu chuyện này ra sao, nhưng nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là một cuộc hôn nhân giả với mục đích để nhập quốc tịch?
Vậy kết hôn giả là gì? Pháp luật xử lý hành vi này như thế nào?
Khoản 2 Điều 11 - Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định: kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình. Như vậy, có thể thấy việc kết hôn giả tạo có một số đặc điểm, biểu hiện như:
- Về mặt ý chí, các bên đều tư nguyện và đồng thuận khi kết hôn;
- Về mặt thủ tục, các bên thực hiện đầy đủ việc đăng ký kết hôn theo quy định;
- Tuy nhiên, về mục đích của kết hôn thì các bên hoàn toàn không hướng đến việc xây dựng gia đình mà để che giấu, lợi dụng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch, hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác.
Luật sư Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty Luật ALadin cho biết: Pháp luật xử lý hành vi kết hôn giả tạo theo hướng xử lý vi phạm hành chính tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP. Theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 59 Nghị định này, kết hôn giả để nhập quốc tịch nước ngoài bị xử phạt tiền từ 10.000.000 VND đến 20.000.000 VND và người vi phạm còn phải khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm..
Trường hợp đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thì căn cứ xử lý trước hết vẫn áp dụng Luật điều chỉnh trực tiếp về vấn đề kết hôn giả, đó là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ áp dụng Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18.9.2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, đối với Cán bộ, công chức hoặc viên chức vi phạm, tùy mức độ vi phạm có thể bị kỷ luật nhẹ nhất là khiển trách, cảnh cáo đến mức độ nghiêm trọng nhất là buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.
Đối với việc xử lý kỷ luật đảng viên thì sẽ áp dụng quy định tại Điều 24 Quyết định số 102-QĐ/TW ngày 15.11.2017 của Bộ Chính trị quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Theo đó, đảng viên có thể bị khai trừ trong trường hợp vi phạm quy định về cấm kết hôn.
Theo VOV