Tin tức

Đằng sau tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine của Na Uy

Đ.H (theo báo Tin tức) 25/05/2024 21:15

Na Uy, cùng Ireland và Tây Ban Nha, gần đây đã công bố quyết định sẽ chính thức công nhận tư cách nhà nước của Palestine dựa trên đường biên giới trước năm 1967.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau cuộc không kích trong xung đột Hamas-Israel tại Dải Gaza ngày 16/5/2024

Có thể dự đoán rằng khi Chính quyền Palestine và phong trào Hamas hoan nghênh động thái này, Chính phủ Israel đã phản ứng bằng cách nhanh chóng rút đại sứ khỏi Oslo, Dublin và Madrid, đồng thời các nước trên cũng triệu hồi các đại sứ của họ ở Tel Aviv về nước.

Thủ tướng Jonas Gahr Store giải thích quyết định của Na Uy nhằm “ủng hộ các lực lượng ôn hòa đang rút lui trong một cuộc xung đột kéo dài và tàn khốc”.

Ông Store cho rằng động thái này là sự đầu tư vào “giải pháp duy nhất” có thể mang lại hòa bình lâu dài ở Trung Đông – hai quốc gia sống cạnh nhau trong hòa bình và an ninh.

Các nhà phân tích không ngạc nhiên trước động thái của Na Uy, diễn ra 30 năm sau khi nước này đăng cai Hiệp định Oslo, hiệp định hòa bình đầu những năm 1990 nhưng cuối cùng đã thất bại.

Ông Bjorn Olav Utvik, Giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oslo, nhận định: “Người dân Na Uy trong một thời gian dài đã hướng tới quan điểm thân Palestine hơn. Cơ sở chính trị đã do dự hơn không ít do mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Kể từ khi cuộc xung đột hiện nay nổ ra, quan điểm phổ biến thậm chí còn hướng xa hơn tới chính nghĩa của người Palestine”.

Ông Utvik cho rằng sự công nhận này là động thái mang tính biểu tượng quan trọng và dễ thực hiện hơn, chẳng hạn “cắt đứt tất cả các khoản đầu tư liên quan đến Israel bởi quỹ tài sản có chủ quyền của Na Uy”.

Với việc các nước châu Âu bị chia rẽ sâu sắc bởi cuộc chiến của Israel ở Gaza, Na Uy đã tiến gần hơn đến những người lên tiếng ủng hộ quyền tự quyết và quyền cơ bản của người Palestine.

Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide gần đây tuyên bố: “Giải pháp lâu dài khả thi duy nhất có thể mang lại hòa bình cho người dân Palestine và người dân Israel là giải pháp hai nhà nước. Tất nhiên, hai quốc gia này phải có lãnh thổ hợp lý. Sẽ phải thay đổi rất nhiều”.

Lập trường của Oslo về cuộc xung đột Israel - Palestine

Chú thích ảnh
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store phát biểu trong cuộc họp báo ở Vácsava, Ba Lan ngày 28/2/2024

Nhìn lại, lập trường của Oslo về cuộc xung đột Israel - Palestine vẫn rất vững vàng.

Giới chức Na Uy đã duy trì mức hỗ trợ lớn cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA) và nhanh chóng kêu gọi ngừng bắn sau khi cuộc xung đột mới nhất nổ ra.

Trước đó, Na Uy đã lên án hành động chiếm đóng của Israel trước Tòa án Công lý Quốc tế. Nước này không xuất khẩu vũ khí sang Israel và đã trừng phạt một số người định cư “cực đoan”.

Bà Hasini Ransala Liyanage, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại khoa Khoa học chính trị của Đại học Oslo, bình luận: “Na Uy tin rằng hoạt động định cư của Israel trên vùng đất bị chiếm đóng là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và cản trở tiến trình hòa bình, đồng thời tin tưởng chắc chắn rằng giải pháp hai nhà nước là giải pháp lâu dài duy nhất”.

Bà Liyanage cũng cho rằng Na Uy là nhà hòa giải nổi bật cho nhiều cuộc xung đột trên thế giới và luôn tập trung vào các giải pháp hòa bình. Theo bà, nỗ lực hòa giải của Na Uy có đặc điểm là sẵn sàng cung cấp hỗ trợ lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình và hợp tác chặt chẽ với các bên xung đột.

Việc Oslo tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của nước này đối với Sáng kiến Hòa bình Arab. Theo sáng kiến này, các nước Arab sẽ công nhận Israel nếu Israel rút khỏi vùng đất chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, chấp nhận việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem và quyền hồi hương của người tị nạn Palestine.

Ông Sverke Runde Saxegaard, nhà nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Oslo, nói: “Đối với tôi, dường như tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine của Na Uy nhằm gây chú ý cho sáng kiến này, góp phần tạo động lực ngoại giao nhằm tăng cường sự ủng hộ của châu Âu đối với kế hoạch hòa bình Arab”.

Theo ông Saxegaard, Chính phủ Na Uy đã liên tục nhấn mạnh động thái mới nhất không phải tín hiệu ủng hộ Hamas, mà là tín hiệu ủng hộ các lực lượng và chủ thể đang tìm kiếm giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột ở cả Israel và Palestine. Có thể nói, động thái của Na Uy mang lại tia hy vọng trong thời điểm đen tối.

Chú thích ảnh
Các nghị sĩ đứng dậy vỗ tay sau khi Thủ tướng Pedro Sanchez có bài phát biểu thông báo Tây Ban Nha sẽ công nhận Nhà nước Palestine

Cuộc xung đột mới nhất và đẫm máu nhất của Israel ở Gaza đã khiến gần 36.000 người thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Chiến dịch tấn công của Israel bắt đầu sau khi Hamas phát động cuộc tấn công chưa từng có vào miền nam Israel khiến 1.139 người thiệt mạng và hàng chục người bị bắt giữ.

Động thái ngoại giao mạnh mẽ

Việc Oslo công nhận Nhà nước Palestine cũng có thể là tín hiệu tốt cho hình ảnh và vị thế của Na Uy ở Nam bán cầu.

Bà Liyanage cho rằng “động thái ngoại giao mạnh mẽ” của Oslo báo hiệu sự ủng hộ đối với người dân ở Trung Đông, thế giới Hồi giáo cũng như công dân của các quốc gia Nam bán cầu đang phải hứng chịu bạo lực và xung đột kéo dài.

“Na Uy sẽ đóng vai trò là một quốc gia hành động chống tội ác chiến tranh, vi phạm luật nhân đạo quốc tế và là một quốc gia công nhận quyền hợp pháp của quốc gia khác trong việc bảo vệ công dân và biên giới của đất nước”, bà nói.

Nhấn mạnh việc các chính phủ Arab hoan nghênh động thái gần đây của Na Uy, ông Hugh Lovatt, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết động thái này là biện pháp nhằm phản đối quan điểm về tiêu chuẩn kép của châu Âu và sự ủng hộ mù quáng dành cho Israel.

Lần sụp đổ cuối cùng của tiến trình hòa bình Oslo

Dường như Na Uy đã nhận ra rằng đã đến lúc phải tiếp cận vấn đề Israel - Palestine theo những cách mới và từ bỏ những cách tiếp cận thất bại từ những thập kỷ trước.

Ông Jorgen Jensehaugen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, cho biết Thủ tướng Na Uy đã ngụ ý ông tin rằng vì không có tiến trình hòa bình, nên việc chờ đợi một bên khởi xướng khi chiến tranh nổ ra không còn là giải pháp thay thế khả thi.

Theo ông, động thái này của Na Uy cũng tượng trưng cho lần sụp đổ cuối cùng của tiến trình hòa bình Oslo, và nhu cầu cấp thiết phải xây dựng một chiến lược hòa bình mới hậu Oslo - bao gồm các bước cụ thể để thách thức hoạt động chiếm đóng của Israel và ủng hộ các quyền của người Palestine.

“Hy vọng rằng sự ủng hộ mạnh mẽ quyền tự quyết của người Palestine có thể chứng minh cho công chúng Palestine thấy rằng ngoại giao có thể mang lại kết quả và mang lại một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho bạo lực vũ trang”, ông cho hay.

Đ.H (theo báo Tin tức)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đằng sau tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine của Na Uy
    ss