Ngày 12.4 (mùng 1.3 năm Tân Sửu), tại chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh tổ chức dâng hương tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Pháp Loa (1330 – 2021).
Lãnh đạo TP Chí Linh dâng hương tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Pháp Loa
Đệ nhị tổ Pháp Loa còn có tên tục là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7.5 năm Giáp Thân (1284) niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6, tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương).
Đến năm Hưng Long 13 (1304), khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi thăm hương Cửu La, Đồng Kiên Cương ra bái yết. Nhận thấy cốt cách của Kiên Cương, Trần Nhân Tông đã cho đi theo tu hành, học đạo và đặt cho tên là Hỉ Lai.
Ông được Trần Nhân Tông ban cho pháp hiệu là Pháp Loa. Tháng 2 năm Hưng Long 15 (1306), Phật hoàng Trần Nhân Tông trao cho Pháp Loa các bảo bối và đến mùng 1 tháng giêng năm Hưng Long 16, trước khi viên tịch Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm cho ông. Từ đó ông trở thành vị tổ thứ hai của Thiền phái này.
Đến năm Khai Hựu thứ 2 (1330), Pháp Loa mắc bệnh và trao bảo bối mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao cho mình trước đây như áo cà sa, kệ tả tâm cho Huyền Quang là người kế vị thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Đến ngày 3.3, Pháp Loa viên tịch tại viện Quỳnh Lâm và xá lị của ngài được đặt trong tháp ở phía sau chùa Thanh Mai.
Chùa Thanh Mai được khởi dựng từ thế kỷ 14 trên sườn núi Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được nhiều tháp cổ như Viên Thông Bảo Tháp (xây dựng năm 1334), tháp Phổ Quang (xây dựng năm 1702), tháp Linh Quang (xây dựng năm 1703), cùng 5 ngôi tháp khác. Đặc biệt là 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó có bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia được khắc dựng năm 1362, nói về thân thế và sự nghiệp của thiền sư Pháp Loa.
Năm 1992, chùa Thanh Mai được công nhận là di tích văn hoá quốc gia. Kỷ niệm ngày mất của Pháp Loa đã trở thành hội chùa hằng năm, từ mùng 1-3.3 âm lịch.
PHƯƠNG TUẤN