Ngày 19/8 (tức ngày 16/7 âm lịch), tổ đình Thánh Quang (chùa Nhẫm Dương), phường Duy Tân (Kinh Môn, Hải Dương) tổ chức dâng hương tưởng niệm 313 năm Đệ nhị Đức thánh tổ Tông Diễn hiệu Chân Dung nhập niết bàn.
Hoà thượng Chân Dung sinh năm 1683, quê ở Hải Dương. Khi biết tin Hoà thượng Thuỷ Nguyệt tu học ở nước ngoài về ở tại chùa Vọng Lão, núi An Sơn, ngài liền tới tham vấn và được giác ngộ, sau được Hoà thượng Thuỷ Nguyệt trao tâm ấn truyền thừa, trở thành tổ thứ 2 của thiền phái Tào Động Việt Nam. Hoà thượng Tông Diễn hiệu là Chân Dung đã tiếp nối và làm sáng danh thiền phái Tào Động Việt Nam.
Vào giữa thế kỷ XVII, triều đình ngăn cấm đạo Phật, hoà thượng Tông Diễn quyết chí rời chốn sơn dã về kinh thành dâng biểu cảnh tỉnh, nội dung ghi lại những điều lợi cho xã hội mà Phật giáo mang lại, coi trọng đạo Phật quốc gia thịnh trị. Sau khi đọc biểu cảnh tỉnh, nhà vua thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối. Vua Lê Hy Tông đặc ban danh hiệu Quốc sư cho Đệ nhị Tổ Tông Diễn, cho phép ngồi trước vua trong chính điện để bàn việc chính sự. Thể hiện sự ăn năn của mình, vua Lê Hy Tông cho tạc pho tượng kép “Phật tọa trên lưng vua” - vua quỳ để Phật ngồi trên lưng, tỏ lòng thành sám hối. Bức tượng này hiện còn tại chùa Hoè Nhai (Hà Nội) và được đúc nguyên mẫu tại chùa Nhẫm Dương.
Hoà thượng Chân Dung viên tịch ngày 16/7 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ năm triều Lê Dụ Tông. Ngài là đệ tử của thiền sư Thuỷ Nguyệt, là bậc cao tăng, thiền sư, quốc sư nổi tiếng trong sự nghiệp hộ quốc an dân.
Trải qua hàng trăm năm, giới tu hành và tăng ni, Phật tử vẫn nhắc nhớ về nhị tổ thiền phái Tào Động hoà thượng Chân Dung với sự biết ơn, kính trọng. Ngài đã giải ách nạn cho tăng ni, cảm hoá vua, hoá độ chúng sinh, đưa đạo pháp vào con đường phụng sự quốc gia, dân tộc.
Lễ dâng hương kỷ niệm 313 năm Đệ nhị Đức thánh tổ Tông Diễn hiệu Chân Dung nhập niết bàn là dịp Phật tử, du khách thập phương tưởng nhớ công đức của hòa thượng, tìm về những giá trị văn hoá, tâm linh nguồn cội.
Chùa Nhẫm Dương được xây dựng từ thời Trần, là trung tâm Phật giáo thời Trần, hậu Lê và được bảo tồn, phát huy cho đến ngày nay. Ngoài Đệ nhị Đức thánh tổ Tông Diễn, nơi đây còn nhiều bậc cao tăng như thiền sư Thuỷ Nguyệt là tổ đời thứ 36 của phái Tào Động, và là Đệ Nhất Tổ sư thiền phái Tào Động ở Việt Nam, người khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương.
LÊ HƯƠNG